Cuộc đời Pushkin không chỉ gắn liền với thành phố St. Petersburg hoa lệ mà cả một địa điểm thôn dã với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp là làng Mikhailovsk thuộc tỉnh Pskov, nằm cách thành phố cùng tên khoảng 120km.
Điền trang Mikhailovsk thuộc quần thể Khu bảo tồn Lịch sử, Văn học và Cảnh quan tự nhiên quốc gia “Mikhailovsk” rộng gần 10.000ha mà trong đó còn gồm bảo tàng - điền trang "Trigorsk", bảo tàng-điền trang "Petrovsk", Pushkinskiye Gory, nghĩa trang của gia đình Gannibal-Pushkin… Đây là những địa danh gắn liền với cuộc đời và nhiều tác phẩm của đại thi hào nước Nga.
Làng Mikhailovsk là tài sản của gia đình Gannibal. Khu đất này được Nữ hoàng Elizabeta Petrovna ban cho ông cố Abram Petrovich Gannibal của Pushkin năm 1742. Đại thi hào nước Nga đến đây lần đầu tiên từ St.Petersburg vào mùa hè năm 1817 sau khi tốt nghiệp phổ thông. Pushkin rất thích thú với vẻ đẹp lạ thường trong không gian mở và thiên nhiên vùng đất kỳ thú này. Nhà thơ trẻ bị cuốn hút bởi cuộc sống thôn dã, nhà tắm kiểu Nga, dâu tây… “Khu vườn bị bỏ quên", rừng sồi xanh, "thế giới vô tư của cánh đồng" ở Mikhailovsk và ký ức những cư dân đáng yêu của điền trang Trigorsk lân cận vốn đã khắc sâu trong tâm trí ngay cả khi ông rời khỏi nơi này. Hai năm sau - năm 1819, Pushkin về nghỉ hè ở đây, sau một trận ốm nặng. Sau đó, ông bị đi đày ở đây hai năm, từ tháng 8/1824 theo lệnh của Sa hoàng Alexander I vì sự đam mê của ông với "giáo lý vô thần”.
Trong suốt cuộc đời nhà thơ, chủ sở hữu điền trang Mikhailovsk là mẹ ông, bà Nadezhda Osipovna. Pushkin sau đó còn ghé thăm điền trang của gia đình mình 4 lần nữa, vào đầu mùa đông năm 1826, năm 1827, 1835 và mùa xuân năm 1836. Chuyến thăm cuối cùng của ông gắn với một sự kiện buồn - ông tham gia đưa tang mẹ mình trong tu viện Svyatogorsk. Cùng năm đó, bất động sản này trở thành tài sản của ông, và một năm sau, sau khi Pushkin qua đời, nó được chuyển cho các con của ông. Thi hài ông cũng được an táng ở tu viện Svyatogorsk.
Khoảng 100 tác phẩm của nhà thơ đã được sáng tác ở Mikhailovsk, gồm các tác phẩm như bi kịch "Boris Godunov", các chương trung tâm của tiểu thuyết "Evghenhi Onegin", bài thơ "Bá tước Nulin", hoàn thành bài thơ "Zigan", hình thành bài thơ "bi kịch nhỏ", những bài thơ như "Ngôi làng", "Nhà tiên tri", "Tôi nhớ một khoảnh khắc tuyệt vời", "Tôi đã đến thăm một lần nữa" và nhiều tác phẩm khác.
Từ những năm 30 của thế kỷ XIX, làng Mikhailovsk đã được xem như quê hương thơ của Pushkin. Chính vì thế mà hàng năm du khách nô nức đến đây để cảm nhận tinh thần văn hóa Nga cũng như những cảm hứng đã giúp mặt trời thơ ca Nga viết ra những áng thơ bất hủ.
Khu điền trang có nhiều đồi, hồ nước, không gian xanh mát. Những đồng cỏ, rừng thông, phong cảnh đẹp như tranh vẽ sẽ mang đến cho bạn cảm hứng thẩm mỹ thực sự. Điền trang Mikhailovsk cũng từng được sử dụng và thậm chí là xây một căn nhà để các nhà thơ, nhà văn lớn tới lấy cảm hứng sáng tác.
Để có thể tới điền trang Mikhailovsk, bạn phải băng qua một vạt rừng thông lớn xanh mướt. Sau khoảng ít nhất 15 phút đi bộ trong rừng, bạn sẽ bắt gặp chiếc cầu cong màu trắng xinh xắn soi bóng xuống mặt nước dẫn thẳng vào điền trang, bênh cạnh một vườn táo cổ. Hoặc bạn cũng có thể đi hướng khác, dọc theo “con đường thông” dẫn tới trước khoảng sân lớn phía trước ngôi nhà.
Khu vực sân hình tròn trước ngôi nhà chính là nơi trồng 26 cây bồ đề vào đầu thế kỷ 20, ở trung tâm có một cây du khổng lồ do con trai nhà thơ, Grigory Pushkin trồng. Còn vào thời gian Pushkin lưu lại ở đây, khoảng sân là nơi tử đinh hương và hoa nhài khoe sắc. Tòa nhà chính của điền trang có hai lối vào. Một từ phía sân tròn, và thứ hai hướng ra sông Sorot, nơi mở ra tầm nhìn với các khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Nhìn bề ngoài ngôi nhà Pushkin ở không hấp dẫn lắm, ngôi nhà ở Trigorsk đẹp hơn nhiều, song chỉ cần đi một vòng ta có thể hiểu tại sao đại thi hào nước Nga lại yêu nơi này đến vậy. Đó là bởi cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở phía bắc ngôi nhà.
Trong không gian yên tĩnh, đầy thơ mộng và thiên nhiên như vậy, trên đường đi, đôi lúc bạn sẽ bắt gặp những tấm biển nhỏ ghi lại những vần thơ bất hủ của Pushkin, như trích đoạn trong bài thơ "Tôi nhớ một khoảnh khắc tuyệt vời" nhằm thể hiện tình yêu, vốn đã lụi tàn song lại bùng lên với sức sống mới. Hoặc một trích đoạn nhỏ trong tiểu thuyết thơ “Evghenhi Onegin”, một trong những tác phẩm quan trọng nhất của nền văn học nước Nga:
“Tôi vốn được sinh ra cho cuộc sống yên bình
Ở một vùng thôn quê tĩnh lặng
Nơi hoang vắng làm tiếng thơ thêm xao động
Sống động hơn trong những giấc mơ thơ”.