Dẫn thông báo từ các nhà chức trách, hãng tin AP cho biết dòng dung nham vẫn lan trong kiểm soát và không đe dọa các cộng đồng lân cận.
Tuy nhiên, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cảnh báo những cư dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dòng dung nham nên xem lại công tác chuẩn bị trước các đợt núi lửa phun trào. Trước đó, các nhà khoa học ghi nhận nhiều trận động đất gần đây gia tăng đột biến trên đỉnh núi lửa.
Theo Dịch vụ Thời tiết Quốc gia ở Honolulu, một số khu vực trên Đảo Lớn có thể chịu ảnh hưởng từ lớp tro bụi dày 0,6 cm.
Mauna Loa là một trong năm ngọn núi lửa cùng nhau tạo nên Đảo Lớn, hòn đảo cực nam của quần đảo Hawaii.
Núi lửa Mauna Loa cao 4.169 mét so với mực nước biển. Núi lửa này có kích thước lớn hơn nhiều ngọn núi lửa Kilauea bên cạnh, từng phun trào vào năm 2018 và phá hủy 700 ngôi nhà. Theo tính toán của các nhà khoa học, một số mặt sườn của núi lửa Mauna Loa dốc hơn nhiều so với Kilauea nên một khi phun trào, dung nham từ ngọn núi lửa này có thể chảy với tốc độ cực nhanh.
Trong một vụ phun trào năm 1950, dung nham từ núi lửa Mauna Loa đã lan nhanh 24 km ra biển trong vòng chưa đầy 3 tiếng đồng hồ.