Dẫn lời ngư dân Hendrik Mulyadi, kênh CNN thông tin: “Tôi nghe thấy tiếng nổ rất lớn. Tôi nghĩ nó là bom nổ hoặc tiếng sấm. Và sau đó là chúng tôi nhìn thấy sóng lớn, cao đến 2 m đánh trúng thuyền chúng tôi”.
Trong khi đó, ông Solihin đi cùng Hendrik Mulyadi miêu tả tiếng nổ như “bom trên mặt nước vậy”. Các ngư dân cho biết vào thời điểm đó, trời sẩm tối và mưa. Họ không tận mắt nhìn thấy máy bay rơi xuống biển nhưng ngửi thấy mùi khí đốt và phát hiện ra các mảnh vỡ trôi nổi.
Những người đàn ông này đã đi thuyền vào bờ để báo cáo sự việc với cảnh sát.
Theo Ủy ban An Toàn Giao thống Quốc gia Indonesia, máy bay mang số hiệu 182 của hãng hàng không Sriwijaya Air đang trên hành trình từ thủ đô Jakarta tới Pontianak bất ngờ mất liên lạc từ 14h40 chiều ngày 9/1 (giờ địa phương). Máy bay lúc đó chở theo 50 hành khách, trong đó có 7 trẻ em và 12 thành viên phi hành đoàn.
Thiếu tướng Bambang Suryo Aji thuộc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia nói với các phóng viên ngày 9/1 rằng chiếc máy bay được tin là đã rơi giữa các đảo Laki và Lancang, trong quần đảo Thousand Tây Bắc thủ đô Jakarta. Cơ quan này đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm xuyên đêm để tìm máy bay mất tích. Đã có một số mảnh vỡ và thi thể được tìm thấy.
Các quan chức cho biết chuyến bay 182 mất liên lạc khi ở cách Sân bay Quốc tế Soekarno - Hatta của Jakarta 20 km về phía bắc ở độ cao 3.352m và chuẩn bị tăng lên độ cao 4.000m.
Theo trang mạng theo dõi chuyến bay toàn cầu Flightradar24, chiếc máy bay đã giảm độ cao 3.000m trong vòng chưa đầy một phút trước khi biến mất khỏi radar. Vụ rơi xảy ra khoảng 4 phút sau khi máy bay cất cánh.
Giám đốc điều hành Sriwijaya Airlines Jefferson Irwin Jauwena cho biết máy bay ở trong tình trạng tốt trước khi cất cánh. Chiếc máy bay gặp nạn là Boeing 737-500 có tuổi đời 26 tuổi.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay Boeing 737 gặp thảm họa hàng không tại Indonesia. Tháng 10/2018, chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Lion Air đã rơi xuống biển Java (Indonesia) sau khi cất cánh từ Jakarta, khiến toàn bộ 189 người thiệt mạng.
Năm 2014, chuyến bay 8501 của hãng hàng không AirAsia (Indonesia) cũng đã rơi xuống biển Java khi đang bay từ Surabaya tới Singapore, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 162 người trên máy bay.
Năm 2007, Liên minh châu Âu đã cấm tất cả 51 hãng hàng không Indonesia ra khỏi không phận của mình sau khi một máy bay Garuda Indonesia chở theo 140 người lao vào đường băng ở Yogyakarta vào tháng 3, bốc cháy khiến 21 người trên máy bay thiệt mạng.