Theo báo Thư tín Địa cầu ngày 9/4, những người dân ở Tongzhou, ngoại ô Bắc Kinh, từ lâu đã học được cách "sống chung với rác". Một bãi rác khổng lồ được phủ bằng vải bạt trông giống như một ngọn núi mọc giữa các tòa nhà và các nhà máy.
Xử lý các loại rác và chất thải trong suốt 10 năm qua luôn là nỗi đau đầu đối với các nhà quy hoạch đô thị Trung Quốc. Việc phát triển mở rộng đô thị tại Bắc Kinh đã đưa rác thải đến gần khu đô thị hơn. Một khu vực bãi rác nằm ở vùng ngoại ô, nơi có nhiều lao động nhập cư sinh sống trước đây, hiện đang được bao quanh bởi các tòa nhà, nhà máy. So với bình quân đầu người, lượng rác thải của Trung Quốc ít hơn nhiều so với các nước tiên tiến như Mỹ, với tổng lượng rác thải vào khoảng trên 300 triệu tấn/năm. Tại Bắc Kinh, 20 triệu dân nơi đây mỗi ngày thải ra 23.000 tấn chất thải. Thực tế thu nhập và mức sống cao hơn đã làm tỷ lệ rác thải tại Trung Quốc tăng gấp đôi, tương đương với tốc độ tăng trưởng dân số của quốc gia này trong vài thập kỷ qua.
Một bãi rác khổng lồ ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Internet |
Cũng giống như Niu Yoóc và Luân Đôn, Bắc Kinh đã phải vật lộn với những thách thức của chất thải đô thị và cảm thấy không còn lựa chọn khi các bãi chôn lấp đã đầy tràn và các lò đốt rác mới chịu sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm môi trường.
Xu Haiyun, kỹ sư trưởng tại Viện Thiết kế xây dựng đô thị Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có thể dọn sạch các bãi rác (xung quanh đô thị), nhưng vấn đề chất thải ở các vùng nông thôn của Trung Quốc lại rất lớn. Ông nói: "Bên ngoài các thành phố, có những vùng rộng lớn mà vẫn không có hệ thống thu gom rác. Theo thời gian, những vấn đề môi trường liên quan đến rác thải sẽ trở nên nghiêm trọng hơn".
Các thành phố lớn đang sử dụng việc đốt rác như một cách để đối phó với chất thải và Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng khoảng 90 nhà máy mới trong vòng 3 năm tới nhằm sử dụng năng lượng từ việc đốt chất thải. Trong năm 2010, Bắc Kinh mới chỉ đốt cháy khoảng 10% lượng rác thải và với kế hoạch đốt cháy lên đến 40% lượng rác thải trong năm 2015, Bắc Kinh có thể trở thành lò đốt lớn nhất châu Á.
Sanjiv Khattri, Giám đốc tài chính của Công ty năng lượng Covanta, một công ty toàn cầu có cổ phần sở hữu 4 nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng ở Trung Quốc, cho biết: "Quan điểm trong chính sách của Trung Quốc là rất tốt. Họ có mục tiêu cho năng lượng tái tạo và họ hỗ trợ các nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng".
Tuy nhiên, các viện nghiên cứu cảnh báo về lâu dài, giải pháp tốt nhất là giảm lượng rác thải. Nie Yongfeng, Giáo sư đã nghỉ hưu và là chuyên gia chất thải tại Đại học Thanh Hoa, nói: "Để đối phó với vấn đề chất thải, phải nghĩ đến việc giảm rác thải, tái chế và quản lý tất cả mọi thứ từ đầu đến cuối. Vấn đề không thể được giải quyết nếu chỉ tập trung vào việc xử lý rác".
Thanh Hải (P/v TTXVN tại Canađa)