Ngày 28/7, khoảng 9,67 triệu cử tri ở Campuchia đi bỏ phiếu bầu 123 Nghị sĩ Quốc hội nhiệm kỳ 5 (2013-2018). Trong 8 đảng tham gia tranh cử, đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền, đảng đối lập “Cứu nguy đân tộc Campuchia” (CNRP) và đảng Bảo Hoàng FUNCINPEC được coi là có nhiều cơ hội hơn cả.Sau đây là các ý kiến của nhà báo Pen Samitthy, Chủ tịch câu lạc bộ các nhà báo Campuchia, Tổng Biệp tập báo “Tia sáng Campuchia”; và nhà báo Kheav Kola, bình luận viên chính trị hãng truyền hình CTN, trong hai cuộc phỏng vấn riêng rẽ với phóng viên TTXVN tại Campuchia.
Hỏi: Tiến trình bầu cử đang diễn ra như thế nào? Giai đoạn vận động tranh cử có gì khác biệt so với các cuộc bầu cử trước đó?
Nhà báo Pen Samitthy: Nhìn chung cho đến nay chiến dịch tranh cử đã diễn ra tốt đẹp, không xảy ra những vấn đề phức tạp, bạo lực. Điều này cho thấy qua bốn nhiệm kỳ bầu cử, kể từ 1998, do Campuchia đứng ra tổ chức, người dân Campuchia đã hiểu thêm về sự vận hành của tiến trình dân chủ. Trước đó, cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 1 do Liên hợp quốc tổ chức vào năm 1993.
Nhà báo Pen Samitthy, Chủ tịch câu lạc bộ các nhà báo Campuchia, Tổng Biệp tập báo “Tia sáng Campuchia”. |
Tuy vẫn còn một số rắc rối nhỏ, nhưng rõ ràng các cử tri đã hiểu nhiều hơn giá trị quyền bầu cử của mình khi đi đăng ký nhiều hơn, với 9,67 triệu người như Ủy ban bầu cử quốc gia NEC công bố. Theo ghi nhận của NEC, số vụ vi phạm có tính chất bạo lực, dù nhỏ lẻ, nhưng cũng đang ngày giảm xuống; trong khi các vụ khiếu nại tăng lên. Điều đó, cho thấy, người dân ngày càng có ý thức trong việc bảo vệ mình bằng con đường luật pháp.
Sự quan tâm đến tiến trình bầu cử thông qua các trang mạng xã hội, đặc biệt trên Facebook. Mặc dù hình thức, lời lẽ khi chia sẻ thông tin qua các phương thức này, có lúc chưa tốt do sử dụng lời lẽ, từ ngữ chưa đúng mức. Nhưng đây là một sự thay đổi mới mà trong các cuộc bầu cử trước chúng ta chưa từng thấy.
Đồng thời, chúng ta cũng thấy sự tham gia rất đông đảo của thanh niên, đặc biệt là thanh niên ủng hộ đảng đối lập. Nhóm này có tâm lý ức chế về những vấn đề bất cập trong xã hội hiện nay, bức xúc muốn thay đổi. Nhưng các hành động thể hiện của họ đã ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Sự nghênh ngang khi đi vận động tranh của của họ dẫn đến phiền toái cho người dân ở nơi công cộng, bị công luận chỉ trích. Nhưng nhìn chung, tôi cho rằng bầu cử đến nay đã không có gì xấu nảy sinh. Tiến trình đó sẽ suôn sẻ, tốt đẹp, một cuộc bầu cử có thể chấp nhận được.
Nhà báo Kheav Kola: Tôi cho rằng bầu không khí trước ngày bầu cử là khá thoáng, không quá căng thẳng và ngột ngạt. NEC đã tổ chức một cuộc bầu cử theo đúng luật pháp Campuchia. Chiến dịch tranh cử cho đến lúc này chưa xảy ra điều gì đáng tiếc. Các đảng hoàn toàn có quyền vận động tranh cử một cách bình đẳng, tùy theo khả năng tài chính của mình. So với các cuộc bầu cừ ở nhiệm kỳ trước, tiến trình bầu cử đã diễn ra tốt đẹp hơn, dù chưa phải là trọn vẹn.
Nhà báo Kheav Kola, bình luận viên chính trị hãng truyền hình CTN (áo cộc tay, màu vàng) trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. |
Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về sự kiện ông Sam Rainsy, Chủ tịch đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia trở về Phnôm Pênh trước khi diễn ra bầu cử chỉ 10 ngày? Sự trở về này có giá trị gì?
Nhà báo Pen Samithy: Chính phủ Campuchia giải thích quyết định này nhằm đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Thực ra, ông Sam Rainsy nên trở về trước khi đăng ký tranh cử với tư cách ứng viên của đảng đối lập. Do những vấn đề pháp lý và một số vấn đề khác ông ta không thể trở về được. Trong đảng đối lập có hai cá nhân nổi lên. Nhân vật thứ nhất là ông Sam Rainsy và người kia là phó của ông ta, ông Kem Sokha. Nhưng hai người này không phải đến từ một nguồn. Họ đến từ hai đảng khác nhau, thậm chí là đối thủ trước khi sáp nhập. Nếu ông Sam Rainsy không sớm trở về thì ông ta sẽ không có chỗ đứng ngay cả trong đảng đối lập. Có nghĩa rằng, người phó của ông Sam Ransy sẽ giành hết lợi thế nếu ông không trở về. Dù Sam Rainsy không được công nhận tư cách (bầu cử và ứng cử) đầy đủ, nhưng ông vẫn quyết định trở về. Ông còn phải trở về để động viên và nắm người của ông mới sáp nhập vào CNRP. Nhóm này nếu không có ông thì sẽ giống như gà con mất mẹ. Do vậy, ông đã trở về một cách vội vã.
Phương thức bầu cử hiện nay ở Campuchia là bầu cho đảng chứ không phải bầu cho cá nhân. Do vậy việc trở về của ông Sam Rainsy không tác động nhiều đến số phiếu dành cho đảng. Quan trọng việc trở về là vấn đề nội bộ đảng CNRP.
Một điều ai cũng biết, ông Sam Raisy muốn trở về phải có đề nghị của CPP, Thủ tướng Hun Sen. Tôi cho rằng, đảng CPP biết rằng họ sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này! Vì thế, họ cần một chiến thắng có được sự công nhận rộng rãi, Sự có mặt của ông Sam Rainsy làm cho chiến thắng có CPP càng thêm tính hợp pháp. Đây là một lý do quan trọng để CPP, Samdech Hun Sen đồng ý đề nghị Quốc vương ân xá cho ông Sam Rainsy. Nói một cách thẳng thắn, việc ông Sam Rainsy trở về giống như một bông hoa trang điểm thêm cho giỏ hoa mừng chiến thắng của CPP.
Nhà báo Kheav Kola: Sự trở về của ông thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy làm tôi vui mừng. Vì điều này thể sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc, như lời giải thích của Chính phủ. Đối đầu nhau mãi không giải quyết được vấn đề. Chúng tôi may mắn, các nhà chính trị Campuchia may mắn có Quốc vương làm biểu tượng và các nhà chính trị có thiện chí để giải quyết những vấn đề của đất nước. Tôi nghĩ rằng ông Chủ tịch CNRP cũng như các thành viên của đảng này nên trước hết nghĩ đến hòa hợp dân tộc để cùng nhau xây dựng đất nước. Với tư cách là một công dân, một nhà báo tôi Campuchia, tôi nghĩ rằng chúng tôi phài đoàn kết, thực hiện hòa giải dân tộc trước khi thực hành dân chủ.
Trước khi có lệnh ân xá, ông Sam rainsy đã thề sẽ trở về Campuchia bằng mọi giá. Không ai có thể lường trước được điều gì nếu ông Sam Rainsy trở về theo cách đó. Nay thì với sắc lệnh ân xá của Quốc vương Norodom Sihmoni, theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen, ông ta đã thoát án tù, trở về Campuchia, quay lại chính trường. Đây là quyết định nhằm hòa đoàn kết, hòa giải dân tộc như giải thích của Thủ tướng Hun Sen. Đây là quyết định có tính chất giảm nhiệt, làm cho bầu không khí tranh cử ở Cmpuchia trở nên suôn sẻ, có bạo lực, nhưng không đáng kể, không giống như trong các cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 và 3.
Hỏi: Ông có thể dự đoán kết quả bầu cử?
Nhà báo Pen Samitthy: Cần lưu ý rằng chiến dịch dịch tranh cử kéo dài một tháng vừa qua chỉ là là việc tiếp tục công việc đã kéo dài trong 5 năm của nhiệm kỳ qua. Không phải những gì diễn ra trong một tháng cuối cùng này sẽ quyết định đảng này thắng, đảng kia thua! Hoạt động trong 5 năm qua sẽ quyết định sự thắng bại của các đảng! Sự thật, CPP có lợi thế rất rõ ràng. Bởi vì họ có một đường lối quần chúng đúng đắn, trong khi các đảng khác thì không. Theo ghi nhận của tôi, và nhiều tổ chức phi chính phủ khác, trong suốt nhiệm kỳ qua, mỗi kỳ nghỉ, thậm chí chỉ một ngày, các quan chức của đảng CPP đều đi cơ sở, về với dân. CPP khác với các quan chức của đảng đối lập, những người dùng phần lớn thời gian làm việc với người nước ngoài hoặc đi nghỉ ở nước ngoài. Mỗi khi có khó khăn như bão lụt, hạn hán, mùa màng thiếu giống…các quan chức CPP đều có mặt để giúp giải quyết. Đây là thành quả mà CPP gặt hái qua những gì mà họ gieo trồng trong 4,5 năm qua. Những chỉ trích nói rằng CPP tặng một món quà quà nhỏ, cho một ít tiền vặt để mua sự ủng hộ là thiếu thiện chí.
Vì vậy, theo dự đoán của tôi, chiến thắng nghiêng về CPP là một điều không còn phải nghi ngờ, mặc dù không có một cuộc điều tra dư luận một cách khoa học. Bởi vì, việc điều tra này bị cấm trong tiến trình tranh cử ở Campuchia. Nhưng nói chung, dù đó là cơ quan truyền thông lớn hay các quan sát viên ngoại quốc, họ đều dễ dàng nhất trí thắng lợi sẽ thuộc về CPP một lần nữa. Vấn đề chỉ là ở mức độ mà thôi.
Nhà báo Kheav Kola: CPP với các lãnh đạo như Chea Sim, Hun Sen… đã có độ chín về chính trị; trong khi đảng đối lập CNRP chỉ mới kỷ niệm một năm thành lập được vài tuần. Tôi nghĩ rằng CPP được coi như một loại giống đã được chọn lọc từ mấy chục năm, đã quen với khẩu vị của người dân Campuchia. Trong khi đó, đảng CNRP đối lập cho cũng được coi là một hạt giống tốt, nhưng quá mới vì chỉ được chọn để gieo trồng có vài vụ, nên cần có thêm thời gian để sàng lọc, lựa chọn. Cũng có ý kiến cho rằng với sự ủng hộ củ cử tri đang tăng đột biến kể từ khi ông Sam Rainsy mới trở về, CNRP có thể gây bất ngờ về kết quả trong cuộc bầu cử lần nay. Nhưng tôi cho rằng, đó chỉ đợt sóng trên mặt biển, nhưng ở dưới lòng biển sâu vẫn là lực lượng của CPP. Lực lượng đó sẽ trào lên mạnh mẽ vào ngày bỏ phiếu. Việc dồn phiếu này sẽ có tính chất quyết định chiến thắng của CPP, đảng này sẽ tiếp tục ở tư thế thượng phong trên chính trường Campuchia. CPP đang cầm quyền sẽ về nhất, đảng đối lập do ông Sam Rainsy lãnh đạo sẽ về nhì.
Hỏi: Chúng ta có thể phân tích sâu hơn về kết quả quả đảng đối lập sẽ nhận được?
Nhà báo Pen Samitthy: Có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, sẽ tốt hơn lần trước khi làm phép tính cộng số ghế hai đảng có trước khi sát nhập. Tuy nhiên cũng vẫn còn một khả năng khác xảy ra. Bởi vì, ông Sam Rainsy và ông Kem Sokha là hai cá nhân không có ý thức hệ giống nhau. Thâm chí họ đã từng là đối thủ của nhau. Vì thế họ cạnh tranh với nhau. Thậm chí, thủ tục hành chính giữa hai đảng dù đã hợp nhất vẫn chưa thống nhất, của bên nào bên đó làm. Đặc biệt về nguồn tài chính cũng có vấn đề, mỗi bên tìm nguồn khác nhau, mà không thu về một mối, không có cơ chế kiểm tra rõ ràng. Đó cũng là mầm mống của sự chia rẽ, không tin cậy lẫn nhau.
Nhà báo Kheav Kola: Tất nhiên CNRP không quật đổ được CPP, và cũng chẳng thể nào có số ghế ngang ngữa hay xấp xỉ với CPP. Nhưng chắc chắn số phiếu ủng hộ dành cho SRP sẽ tăng lên do hai đảng của ông Sam Rainsy và Kem Sokha sáp nhập thành CNRP, nhất là sau khi ông Sam Raisy trở về. Nhưng dầu vậy, đó không phải là sự tăng đột biến.