Tất cả những gì ông Yoshihito Oonami muốn là nghỉ hưu và cho cơ thể mệt mỏi của mình được nghỉ ngơi. Nhưng thay vào đó, vào lúc 1:30 sáng hàng ngày, ông Oonami (73 tuổi) thức dậy và lái xe một tiếng đồng hồ đến chợ nông sản trên một hòn đảo nhỏ ở Vịnh Tokyo (Nhật Bản).
Trong khi xếp rau vào ô tô, Oonami phải nhấc những hộp nặng hơn 6,8 kg, khiến lưng ông mỏi nhừ. Sau đó, ông lái xe khắp thủ đô Nhật Bản, giao hàng cho các nhà hàng tới 10 lần một ngày. “Chừng nào cơ thể còn cho phép, tôi còn phải tiếp tục làm việc”, ông Oonami chia sẻ với phóng viên tờ New York Times (Mỹ). Ông Oonami nói làm việc ở độ tuổi 70 là “không vui chút nào”. “Nhưng tôi làm thế để tồn tại”, ông Oonami bộc bạch.
Bà Li Man (67 tuổi) tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vẫn làm việc để trang trải học phí và sinh hoạt phí cho con gái đang du học ở Mỹ. Bà bắt đầu trông trẻ và bán các món ăn tự làm như cá kho tộ và thịt lợn xào bí cho hàng xóm. Bà Li cho biết: “Trở lại làm việc khiến tôi bớt lo lắng hơn”. Tuy nhiên, gần đây, bà bị đau lưng và cao huyết áp hành hạ. “Có lẽ đã đến lúc nghỉ hưu”, bà Li Man nói.
Với dân số ở các nước Đông Á đang giảm và ít người trẻ tham gia lực lượng lao động, ngày càng có nhiều người như ông Oonami làm việc chăm chỉ ở độ tuổi hơn 70. Các công ty cần họ, và những nhân viên lớn tuổi cũng cần công việc. Các chính phủ ở châu Á đang gặp khó khăn trong việc trả đủ tiền cho người về hưu mỗi tháng để sinh sống.
Trong nhiều năm qua, các nhà nhân khẩu học đã cảnh báo về một quả bom hẹn giờ sắp xảy ra ở các quốc gia giàu có ở Đông Á. Nhật Bản và các nước láng giềng đã bắt đầu cảm nhận được tác động, với việc các chính phủ, công ty và người dân lớn tuổi đang vật lộn với những hậu quả sâu rộng của một xã hội già hóa.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Á nơi người già cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc. Ở Hong Kong (Trung Quốc), cứ 8 người lớn tuổi thì có 1 người đi làm. Tỷ lệ này là hơn 1/4 ở Nhật Bản, trong khi ở Mỹ là 18%.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vào năm 2022 cho thấy trên 230.000 người hơn 60 tuổi tại nước này vẫn phải làm việc tại các nhà máy và công trường xây dựng từ đầu năm 2020. Thanh niên Hàn Quốc không còn mặn mà với những công việc này.
Theo Cơ quan thống kê quốc gia Hàn Quốc, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc đã giảm trong năm thứ 6 liên tiếp xuống 0,81 trẻ vào năm 2021. Hệ quả của tỷ lệ sinh thấp đã được phản ánh trong toàn xã hội Hàn Quốc. Dân số Hàn Quốc đang bị giảm sút trong 2 năm qua. Các trường học đã phải đối mặt với tình trạng thiếu sinh viên, số lượng người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm khiến lương hưu của những người về hưu cũng ngày càng giảm theo. Hàn Quốc là quốc gia nơi tỷ lệ nghèo ở người lớn tuổi lên tới gần 40%.
Nhà chức trách Trung Quốc cho biết dân số nước này sẽ bắt đầu giảm từ năm 2025 trong bối cảnh già hóa dân số và quy mô gia đình ở Trung Quốc ngày càng nhỏ.
Những người lớn tuổi ở Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc có khả năng trở thành người dọn dẹp văn phòng được trả lương thấp, nhân viên cửa hàng tạp hóa, người lái xe dịch vụ giao hàng hoặc nhân viên bảo vệ. Việc làm toàn thời gian, ổn định được dành cho những người trẻ ở những quốc gia này, khiến nhiều lao động lớn tuổi phải làm những công việc hợp đồng lương thấp, bấp bênh. Khi họ nghỉ hưu, lương hưu do nhà nước hỗ trợ thường không trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản. Tại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, lương hưu trung bình hàng tháng dưới 500 USD.
Để đối phó với cái mà các nhà nhân khẩu học gọi là “xã hội siêu già hóa”, các nhà hoạch định chính sách ở Đông Á ban đầu tập trung vào việc cố gắng thúc đẩy sinh đẻ và sửa đổi luật nhập cư để củng cố lực lượng lao động. Các biện pháp như vậy đã không thể tác động đáng kể để thay đổi xu hướng già hóa.
Điều đó đã khiến các nhà tuyển dụng thiếu người lao động. Ví dụ, tại Nhật Bản, các cuộc khảo sát cho thấy có tới một nửa số công ty tham gia khảo sát ghi nhận tình trạng thiếu nhân công toàn thời gian. Từ đó, lao động lớn tuổi đã bước vào để lấp đầy khoảng trống.
Tại Tokyu Community - công ty quản lý tài sản cho các khu chung cư ở Tokyo, gần một nửa số nhân viên tại đây trên 65 tuổi. Với mức lương chỉ 2.300.000 yên một năm (gần 17.146 USD), công việc này không hấp dẫn những lao động trẻ tuổi, trong khi người lớn tuổi sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp để có thêm thu nhập hưu trí. Koureisha là một công ty khác ở Tokyo với đăng tin tuyển dụng nhân sự nhấn mạnh rằng ứng viên phải từ 60 tuổi trở lên. Chủ tịch Koureisha – ông Fumio Murazeki, cho biết “những người trên 65 tuổi đến 75 tuổi rất năng động và khỏe mạnh”.
Chính phủ Nhật Bản hiện cung cấp các khoản trợ cấp cho các công ty vừa và nhỏ thiết lập chỗ nghỉ cho người lao động lớn tuổi, chẳng hạn như thêm lan can trên cầu thang hoặc thêm khu vực nghỉ ngơi cho người lao động.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các công ty và hiệp hội việc làm tạm thời đã được thành lập để hỗ trợ những người lao động lớn tuổi. Mặc dù nhiều người lớn tuổi phải làm việc vì nhu cầu kinh tế, nhưng người sử dụng lao động cũng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào họ.
Để giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động và theo kịp các khoản thanh toán lương hưu, các chính phủ đang cố gắng nâng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn, điều này đã dẫn đến phản đối. Giáo sư Sheying Chen tại Đại học Pace ở New York (Mỹ), cho biết tại Trung Quốc mọi người trở nên tức giận. Ông Sheying Chen bổ sung: “Họ nói rằng 'tôi đã làm việc toàn thời gian và đã đến tuổi nghỉ hưu; bạn muốn tôi làm việc nhiều hơn?’”.
Ở Đông Á, nơi dân số đang già đi nhanh hơn các khu vực khác, nhu cầu cấp thiết là cần thêm linh hoạt. Bài toán các quốc gia già hóa này đang phải vật lộn là làm thế nào để thích nghi với thực tế mới về lực lượng lao động lớn tuổi mà vẫn đảm bảo rằng mọi người có thể nghỉ hưu mà không rơi vào cảnh nghèo đói.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều buộc phải thử nghiệm thay đổi chính sách - chẳng hạn như trợ cấp doanh nghiệp và điều chỉnh chế độ hưu trí để thích ứng với sự thay đổi dân số. Giờ đây, các quốc gia có thể sẽ tìm đến châu Á để học kinh nghiệm đối phó với các cuộc khủng hoảng tương tự.