Jamal chắc chắn rằng nếu nghe theo yêu cầu của quân đội Israel sơ tán tới phía Nam Gaza, thì kết cục cuối cùng của anh là vô gia cư. Nếu Jamal lựa chọn ở lại tòa nhiều tầng của mình - khu vực mà quân đội Israel đã chỉ định là mục tiêu - thì nguy hiểm sẽ luôn rình rập.
Jamal, một nhân viên phòng khám 34 tuổi, chia sẻ: “Đó là một câu hỏi mang tính sống còn nhưng không có câu trả lời. Không có nơi trú ẩn an toàn, chẳng có nơi nào không bị pháo kích và bao vây, không có nơi nào để đi”.
Theo một yêu cầu chưa từng có đối với dân thường ở phía Bắc Gaza và Gaza City, quân đội Israel chỉ cho Jamal - và 1,1 triệu người Palestine khác - 24 giờ để quyết định. Người phát ngôn của Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric xác nhận quân đội Israel vào tối 12/10 đã thông báo với LHQ về yêu cầu tất cả người Palestine ở phía Bắc Gaza phải di dời đến khu vực phía Nam của vùng lãnh thổ này trong vòng 24 giờ.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết, khi đồng hồ điểm đến thời hạn, hàng trăm nghìn quân dự bị của Israel đã tập trung gần biên giới phía Bắc Gaza. Máy bay chiến đấu của Israel gầm rú trên cao rồi lao xuống thấp để ném bom vào các ngôi nhà và khu dân cư cao tầng. Các nhóm viện trợ đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn điều mà họ gọi là tội ác chiến tranh có thể xảy ra khi cưỡng ép người dân di dời.
Tại bệnh viện ít nhân lực và trang thiết bị thiếu thốn, các bác sĩ người Palestine nói rằng họ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại. Lãnh đạo Shifa - ông Mohammad Abu Selim cho biết không có cách nào để sơ tán bệnh viện lớn nhất ở Gaza này.
Mặc dù bệnh viện Shifa đang trong tình trạng khó khăn do điện cạn kiệt bởi cuộc bao vây của Israel, giường bệnh và nhà xác quá tải, nhưng ông Abu Selim cho biết đơn giản là không có nơi nào an toàn khác ở Gaza để di chuyển 600 bệnh nhân, nhiều người trong số họ đang ở trong tình trạng nghiêm trọng. Ông Abu Selim nói: “Yêu cầu chúng tôi sơ tán thật là nực cười, điều đó là bất khả thi”.
Dưới đây là video do hãng thông tấn AFP (Pháp) đăng tải ngày 14/10 cho thấy quân đội Israel không kích vào phía Bắc Gaza:
Quân đội Israel cho biết các cuộc không kích của họ nhắm vào cơ sở hạ tầng của Hamas chứ không phải người dân thường.
Tuy nhiên, người Palestine cho biết thực tế không phải vậy. Nhiều người Palestine trong quá trình di chuyển đến phía Nam phải đối mặt với những con phố bị chặn bởi đống đổ nát và bom đạn ập xuống xung quanh họ. Một hàng máy kéo, xe ngựa và lừa kéo dài di chuyển xuống phía Nam. Chuyến đi đáng lẽ chỉ kéo dài 45 phút nay kéo dài 2 tiếng đồng hồ, trở thành một hành trình đau khổ và đối với một số người là chết chóc.
Văn phòng báo chí của lực lượng Hamas cho biết các cuộc không kích của Israel nhằm vào phương tiện sơ tán đã khiến ít nhất 70 người thiệt mạng.
Khi được hỏi về liệu người dân thường có thể sơ tán đến nơi an toàn ngay cả khi các cuộc bắn phá dữ dội vẫn tiếp diễn, phát ngôn viên quân đội Israel - Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari trả lời các phóng viên: “Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo rằng điều đó xảy ra”.
Bất chấp nguy hiểm, một số người Palestine vẫn không rời bỏ nhà cửa. Họ nhìn những đoàn xe đi qua, nhớ lại làn sóng người tị nạn Palestine trước đây đã chạy trốn khỏi các cuộc xung đột khác rồi không bao giờ có thể trở về nhà. Một số người Palestine nhắc lại cái mà họ gọi là Nakba khi Israel thành lập vào năm 1948 và khoảng 700.000 người phải chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà của họ ở khu vực ngày nay là Israel.
Lực lượng Hamas ở Gaza cũng kêu gọi người dân không sơ tán. Hamas mô tả yêu cầu của Israel là “cuộc chiến tâm lý” nhằm phá vỡ tình đoàn kết của họ.
Những người khác đơn giản là không có phương tiện để thu dọn đồ đạc và rời đi. Anh Jamal không có ô tô. Viễn cảnh phải đưa con trai sơ sinh, người mẹ ốm yếu và 30 thành viên khác trong gia đình lên xe ngựa để chở họ đi qua vùng chiến sự khiến anh rùng mình.
Đối với nhiều người, họ lại nhận được thông tin khá chậm do mạng di động và internet ở phần lớn Gaza bị hỏng. Ở trung tâm Gaza City, kỹ sư Saeb al-Jarz (27 tuổi), đang chờ đợi tin tức của cha mình, người bị thương trong một cuộc không kích ngày 12/10. Ba người hàng xóm của Saeb al-Jarz đã thiệt mạng và ngôi nhà của gia đình anh bị phá hủy.
Saeb al-Jarz lần đầu tiên nghe về yêu cầu sơ tán của quân đội Israel từ một phóng viên của AP. Anh rơi vào trạng thái hoảng loạn khi nghĩ về tương lai của 25 người thân. “Có lẽ chúng tôi sẽ ở lại, vì nếu chết, chúng tôi sẽ chết cùng nhau”, Saeb al-Jarz nói giọng run rẩy.
Nhưng rồi anh lại thay đổi suy nghĩ: “Tôi thực sự, thực sự muốn được sống”.