Ngày 11/3, những hộ gia đình Do Thái ở khu Migron đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Ixraen đồng ý rút khỏi khu định cư tiền đồn trái phép lớn nhất và lâu đời nhất ở Bờ Tây để chuyển đến một địa điểm gần đó.Tranh cãi dai dẳng về khu định cư Migron phản ánh một mâu thuẫn nghiêm trọng ngay tại "bộ não" của nhà nước Do Thái. Cho dù công khai thừa nhận khái niệm một Nhà nước Palextin độc lập, các chính quyền Ixraen vẫn luôn khuyến khích, ủng hộ việc xây dựng các khu định cư trên những phần đất mà Palextian khẳng định thuộc về họ. Trong vòng một thập kỷ qua, chính quyền Ixraen chi ít nhất 4 triệu shekel (tương đương 1,1 triệu USD) cho việc xây dựng và bảo trì nhà cửa cũng như các công trình xây dựng tại Migron.
Nhưng trong một phán quyết khá bất ngờ hồi tháng 8 năm ngoái, Tòa án tối cao Ixraen yêu cầu giải tán khu định cư Migron, cách Jerusalem chỉ 32 km, trước thời hạn chót là ngày 31/3/2012, với lý do khu đất thuộc về người Palextin. Các gia đình định cư ở Migron được chuyển đến một khu định cư khác, đã xây dựng ở Bờ Tây, cách đó chỉ 2 km, còn địa điểm hiện tại được bàn giao cho quân đội Ixraen quản lý.
Hiện có khoảng 500.000 người Ixraen và 2,5 triệu người Palextin sinh sống tại Bờ Tây và Đông Jerusalem, những vùng đất Ixraen chiếm từ Gioócđani trong cuộc chiến năm 1967, song lại là những nơi mà người Palextin muốn xây dựng nhà nước tương lai của họ cùng với Dải Gada. Palextin cho rằng các khu định cư Do Thái cản trở một Nhà nước Palextin hữu hình, yêu cầu Ixraen ngừng toàn bộ việc xây dựng định cư trước khi nối lại đàm phán hòa bình giữa hai bên, tiến trình vốn bị đóng băng hơn 1 năm qua.
Một ngôi nhà ở Migron bị chính quyền Ixraen phá hủy tháng 9/2011. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong hơn 100 khu định cư tiền đồn xây dựng mà không có sự cho phép của Chính phủ Ixraen ở Bờ Tây, Migron là khu lớn nhất với khoảng 50 hộ gia đình sinh sống. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế coi mọi khu định cư trên những lãnh thổ Ixraen chiếm đóng từ năm 1967 đều là bất hợp pháp, kể cả được Chính phủ Ixraen cho phép xây dựng.
Tổ chức "Peace Now", nhóm hoạt động phản đối việc định cư của Ixraen trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng, cho rằng thỏa thuận về khu Migron chẳng khác gì một điều "ô nhục". Phát ngôn viên của "Peace Now", Hagit Ofran nhận xét: "Thực tế Chính phủ Ixraen đang thể hiện rằng sẽ không xóa sổ Migron, không làm theo phán quyết của Tòa án tối cao nước này, sẽ nhượng bộ trước những đe dọa của người định cư...Điều đó gửi đi thông điệp rằng Ixraen không thực sự muốn hòa bình và sẽ xây dựng thêm nhiều khu định cư".
* Trong khi đó, căng thẳng giữa Ixraen và Palextin đang tiếp tục gia tăng. Trong chuyến công du tới miền Nam Ixraen sau khi bùng phát bạo lực giữa Ixraen và các nhóm vũ trang Palextin, Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu ngày 11/3 đã ra lệnh cho quân đội bắn trả tất cả những ai "muốn tấn công Nhà nước Do Thái".
Theo Đài tiếng nói Ixraen, ông Netanyahu cũng đã bảo đảm rằng các hoạt động quân sự tại Dải Gada sẽ vẫn tiếp tục. Ông Netanyahu nhấn mạnh chỉ có thể tìm thấy giải pháp cho các vụ bắn rốckét khi mối đe dọa từ Iran bị loại bỏ. Mặt khác, cũng tái khẳng định hệ thống đánh chặn tên lửa sẽ được triển khai tại miền Nam Ixraen. Theo một người phát ngôn của quân đội, hệ thống này đã chặn được 37 quả rốckét bắn đi từ Dải Gada từ ngày 9/3.
Cùng ngày 11/3, Ixraen đã gửi thư kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cần có hành động trước tình trạng tấn công bằng rốckét từ Dải Gada, đồng thời cảnh báo rằng sẽ tiến hành "mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ người dân Ixraen. Trong hai ngày qua, phía Ixraen cho rằng đã có hơn 150 rốckét được bắn từ Dải Gada mà nhóm Hồi giáo Jihad nhận đã tiến hành. Đáp trả, Ixraen thực hiện nhiều cuộc không kích vào lãnh thổ Palextin làm ít nhất 18 người thiệt mạng theo các nguồn tin y tế ở Dải Gada.
Theo kế hoạch, ngày 12/3, cuộc họp cấp cao đầu tiên của nhóm "Bộ Tứ" trong 6 tháng qua sẽ được tổ chức ở trụ sở LHQ. Tổng thư ký LHQ, Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Catherine Ashton sẽ thảo luận về tình trạng bế tắc hiện nay của lộ trình hòa bình Ixraen-Palextin.
TTXVN/Tin Tức