Theo báo Guardian, cảnh sát New Zealand cho biết tính đến tối 20/3, ít nhất 37 khẩu súng đã được giao nộp cho cảnh sát trên toàn quốc.
Ngày 21/3 trong buổi họp báo, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố New Zealand đã ban hành lệnh cấm súng trường tấn công, súng bán tự động kiểu quân dụng và băng đạn mở rộng. Sắc lệnh nghiêm cấm những loại súng này tương tự loại vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công hôm 15/3 nhằm vào hai Thánh đường Hồi giáo ở Christchurch.
Thủ tướng Ardern cho biết bà hy vọng luật mới sẽ có hiệu lực từ 11/4 và chương trình thu hồi vũ khí bị cấm sẽ được triển khai. “Chúng ta đang nói đến những khẩu súng có thể dễ dàng bị thay đổi để cướp đi mạng sống của người khác”, nữ lãnh đạo phát biểu.
Trước đó, trong cuộc họp Nội các ngày 18/3, Thủ tướng Ardern khẳng định trong tuần đội ngũ của bà sẽ phác thảo chi tiết sau khi nhất trí thay đổi luật.
Thủ tướng Ardern khuyến khích người dân giao nộp vũ khí cho cảnh sát và khuyên bất kỳ ai cân nhắc mua súng chờ một vài ngày nữa để nhận được thông tin chính thức về luật cấm trước khi thực sự bỏ tiền đầu tư.
“Như lời tuyên bố của Thủ tướng, bất kỳ ai muốn giao nộp vũ khí cho cảnh sát đều được hoan nghênh”, cảnh sát New Zealand kêu gọi mọi người gọi điện và thông báo cho cảnh sát khi họ đến nộp vũ khí trong bối cảnh lo ngại về an ninh tăng cao.
Một trong những người dân đã giao nộp súng, ông John Hart – chủ một trang trại cừu và bò tại Masterton – chia sẻ: “Mặc dù súng đôi lúc cũng có ích, song nó quá nguy hiểm khi người ta sử dụng nó như một loại vũ khí. Đối với tôi, đây là một sự đánh đổi: Liệu sự thuận tiện cho tôi có đe dọa mạng sống của người khác? Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chúng tôi vẫn sẽ làm tốt nếu không có vũ khí bán tự động. Một người giao nộp một khẩu súng cho cảnh sát có thể không thay đổi cả thế giới, nhưng nó là sự khởi đầu”. Ông Hart thể hiện sự ủng hộ hết lòng với bất kỳ động thái nào cải cách luật kiểm soát súng đạn tại New Zealand.
Trong khi đó, một tổ chức săn bắn lớn tại quốc gia này có tên Fish and Game NZ lên tiếng kêu gọi ban hành lệnh cấm và thu hồi vũ khí bán tự động, cũng như hạn chế mua băng đạn mở rộng, để ngăn chặn việc cải biên phi pháp súng trường bán tự động thông thường thành loại vũ khí quân dụng.
Giới chức phụ trách kiểm soát vũ khí cho biết họ cũng đã nhận được số lượng lớn câu hỏi về thông tin liệu luật kiểm soát súng đạn mới có ảnh hưởng đến những người sử hữu súng hiện tại hay không.
Vụ thảm sát kinh hoàng ngày 15/3 đã đưa luật kiểm soát súng đạn của New Zealand trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng chính những quy định lỏng lẻo về sở hữu súng đạn là một yếu tố khiến nghi phạm Brenton Tarrant quyết định tiến hành xả súng ở thành phố Christchurch.
New Zealand gần như là nước duy nhất, ngoại trừ Mỹ, có tới 96% số súng đạn lưu hành không phải đăng ký. Theo các chuyên gia, luật quản lý súng đạn của New Zealand có tính phân cấp và khó xác định được là ủng hộ hay chống sở hữu súng. Ví dụ súng trường bán tự động và các loại súng lục thì cần được cấp phép đặc biệt, mỗi người mỗi lần chỉ được mua một khẩu súng bán tự động và để mua nhiều hơn thì rất khó.
Vụ xả súng ở Christchurch đã bộc lộ những lỗ hổng trong luật sở hữu súng đạn tại New Zealand và là lý do buộc chính phủ của Thủ tướng Ardern có các biện pháp khẩn cấp thắt chặt luật sử dụng súng đồng thời khuyến khích người sở hữu súng tự giác giao nộp những vũ khí không cần thiết.