Tạp chí Forbes (Mỹ) cho biết dựa trên nghiên cứu hình ảnh vệ tinh và nhiều dữ liệu khác, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân dẫn đến vụ vỡ sông băng ngày 7/2 là do lở tuyết và trượt lở trên các đỉnh băng trong khu vực do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Vậy nhưng nhiều người dân làng cho rằng bi kịch có liên quan đến con người. Tờ Times of India dẫn lời một số người dân địa phương kể rằng khi xảy ra vụ vỡ sông băng có một mùi hăng cay trong không khí. Họ liền liên kết vụ việc với sự việc xảy ra cách đây nửa thế kỷ.
Theo người dân địa phương, năm 1965, CIA đã phối hợp cùng quân đội Ấn Độ lắp đặt thiết bị giám sát hạt nhân trên đỉnh Nanda Devi thuộc dãy núi Himalaya nhằm “để mắt” đến Trung Quốc.
Nhưng đoàn nhận nhiệm vụ gặp bão tuyết và buộc phải trở về và để lại thiết bị giám sát hạt nhân chạy bằng năng lượng plutoni này trong một khe núi.
Sau đó một vụ lở tuyết khiến thiết bị thất lạc. Hiện tại, người dân địa phương lo lắng rằng thiết bị từ thập niên 60 của thế kỷ trước này vẫn hoạt động, tạo nhiệt khiến băng tan chảy.
Tuy nhiên, người phụ trách nhóm lắp đặt thiết bị năm đó ở phía Ấn Độ, ông Mohan Singh Kohli nhận định với tờ Times of India rằng thiết bị không thể tự hoạt động. Cựu thành viên Hải quân Ấn Độ này nhấn mạnh thiết bị giám sát hạt nhân nhiều khả năng đang nằm dưới lớp băng, không thể di chuyển. Nhóm lắp đặt sau đó đã dành 3 năm để tìm kiếm thiết bị này nhưng bất lực. Ông Mohan Singh Kohli khẳng định thiết bị giám sát hạt nhân không thể gây ra vụ việc ngày 7/2.