Một quan chức Bộ Ngoại giao Iran cho biết tại cuộc gặp ngày 26/10 này, Iran đã phản đối mạnh mẽ “mọi sự báng bổ và thiếu tôn trọng đối với nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed…, cũng như đối với các giá trị thuần khiết của Hồi giáo, bất luận người đó có ở cương vị nào”.
Động thái trên của Iran là phản ứng đáp lại những phát biểu được xem là “công kích đạo Hồi” trước đó của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Cùng ngày 27/10, tại thủ đô Dhaka của Bangladesh và Baghdad của Iraq, hàng chục nghìn người đã tuần hành qua nhiều đường phố phản đối tuyên bố của Tổng thống Macron không “hủy bỏ những bức tranh biếm họa” nhà tiên tri Mohammed và không bao giờ nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng như không chấp nhận các phát ngôn thù địch.
Tại thủ đô của Iraq, người biểu tình quá khích đã đốt cờ Pháp và ảnh Tổng thống Macron, trong khi nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp như đã diễn ra tại các siêu thị ở Qatar và Kuwait, hoặc tại Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, tại Bangladesh, hàng chục nghìn người biểu tình tuần hành khắp thủ đô Dhaka đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Pháp và đốt hình nộm Tổng thống Pháp để phản đối quan điểm của ông bênh vực các tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed. Cảnh sát ước tính đã có trên 40.000 người tham gia cuộc tuần hành do một đảng Hồi giáo tổ chức.
Trước đó, dư luận nước Pháp đã dậy sóng về vụ giáo viên dạy lịch sử người Pháp Samuel Paty bị một đối tượng Hồi giáo cực đoan sát hại dã man (bằng hình thức chặt đầu) sau khi cho các học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo. Chính phủ của Tổng thống Macron đã gọi đây là "vụ tấn công của các phần tử khủng bố Hồi giáo", tăng cường hành động chống chủ nghĩa khủng bố và các phần tử Hồi giáo cực đoan.