Theo trang The Guardian (Anh), nạn nhân là Tahir Ahmed Naseem, đã bị bắt giam từ năm 2018 vì tội phỉ báng, sau khi tự xưng mình là một nhà tiên tri. Anh ta là thành viên của giáo phái Ahmedi ở Pakistan.
“Tôi đang ngồi trên ghế trong văn phòng vào khoảng 11h30 thì nghe thấy tiếng súng nổ”, ông Saeed Zaher, một luật sư ở gần hiện trường, cho biết. Sau đó, ông đã vội vã đến nơi xảy ra vụ việc và chứng kiến nạn nhân đã bị bắn một phát vào đầu. “Kẻ nổ súng đã bị cảnh sát bắt giữ trong khi thi thể nạn nhân đang nằm trên chiếc ghế dài trong phòng xử án”, ông nói.
Hình ảnh xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy kẻ nổ súng ngồi trên ghế, chân không đi giày và bị cảnh sát canh giữ. Người này tuyên bố rằng anh ta được ra lệnh giết Naseem trong một giấc mơ.
Việc kẻ tấn công qua mặt được giới chức trách đưa vũ khí vào phiên tòa được cho là vi phạm an ninh nghiêm trọng. “Một người đi vào phòng xử án với một khẩu súng lục và giết người ngay trong phiên tòa là sự việc rất đáng lo ngại”, ông Zaher nói thêm.
Tội phỉ báng là một tội danh vô cùng nhạy cảm ở Pakistan. Đây được coi là một loại tội hình sự có thể lĩnh án tử hình. Việc xét xử tội danh này cũng khiến hệ thống tư pháp của nước này gặp nhiều khó khăn. Nhiều cáo buộc đơn thuần đã châm ngòi các cuộc bạo lực và chết chóc. Chính vì điều này, các thẩm phán không dám tha bổng cho bị cáo vì sợ điều đó sẽ đe dọa đến tính mạng của mình.
Mặc dù chưa có ai bị xử tử theo đạo luật chống phỉ báng nghiêm khắc của Pakistan, nhưng ít nhất 17 người đã bị kết tội đang trong danh sách chờ tử hình và nhiều người khác đang phải thụ án tù chung thân vì các tội danh liên quan.
Trước đó, Asia Bibi, một người theo đạo Kitô giáo, đã phải chịu tra tấn trong tù hàng thập kỷ vì cáo buộc cô đã cô đã xúc phạm nhà tiên tri Mohammed trong một cuộc tranh cãi với hàng xóm. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của công chúng quốc tế về vấn đề luật pháp.
Ban đầu, Bibi bị kết án tử hình vào năm 2010 nhưng sau đó được tha không phải chịu tử hình. Năm 2011, Salmaan Taseer, thống đốc tỉnh Punjab, Bộ trưởng thuộc nhóm thiểu số Shahbaz Bhatti đã bị giết hại sau khi lên tiếng bênh vực Bibi và kêu gọi cải cách luật về tội phỉ báng. Cuối cùng, Bibi sau đó đã tị nạn ở Canada nhưng vẫn liên tục bị dọa giết.
Theo một thống kê, kể từ năm 1990, khoảng 65 người được cho đã bị xử chết vì tội phỉ báng nhưng không theo phán quyết của tòa. Chính phủ Pakistan không có phản ứng gì trước tình trạng này.
“Cuồng tín đang là vấn đề nhức nhối ở Pakistan. Người dân bị giết hại dưới danh nghĩa tôn giáo. Không có quy chế kiểm soát và cân bằng. Chính phủ rõ ràng im lặng về vấn đề này”, ông Rehman, phát ngôn viên danh dự của Ủy ban Nhân quyền Pakistan, nói.