Theo nhóm phóng viên của báo Nhật Kyodo News có chuyến thăm thủ đô Bình Nhưỡng đầu tháng này trước thềm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Việt Nam, biểu ngữ, bảng hiệu tuyên truyền tầm quan trọng của xây dựng kinh tế đã được treo kín khắp phố phường thành phố. Động thái này nhấn mạnh sự nghiêm túc của chính quyền Triều Tiên trong việc thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia thay vì tăng cường khả năng vũ khí.
Dưới con mắt quan sát của nhóm phóng viên, giá cả hàng hóa hầu như không thay đổi và cuộc sống vẫn diễn ra như thường tại Bình Nhưỡng. Vào cuối tuần, các nhà hàng và trung tâm giải trí vẫn thu hút nhiều du khách. Tại khách sạn Potonggang của Bình Nhưỡng, du khách được phép sử dụng Internet qua mạng không dây Wifi lắp đặt từ cuối năm 2018. Màn hình kỹ thuật số cỡ lớn được lắp đặt ở một số khu vực trong thủ đô, lần lượt chiếu các khẩu hiệu khác nhau.
"Vì chúng tôi đã hoàn thành xong lực lượng hạt nhân, trước mắt chúng tôi sẽ cống hiến tất cả nỗ lực để xây dựng kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân", Yu Kwang Sung, một quan chức chính phủ 35 tuổi, trả lời phỏng vấn Kyodo News.
Kim Jin Sung, một nhà nghiên cứu công nghệ thông tin 27 tuổi, bày tỏ: "Tôi hy vọng quan hệ của đất nước chúng ta với Mỹ sẽ được cải thiện hơn nữa". Người thanh niên trẻ này tin rằng một mối quan hệ “phá băng” với Washington sẽ góp phần làm kinh tế Triều Tiên thịnh vượng.
Về cơ bản, Mỹ và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh do Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn, thay vì một hiệp định hòa bình.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử đầu tiên giữa hai nước tại Singapore vào ngày 12/6/62018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Trump cùng nhất trí Mỹ sẽ cung cấp bảo đảm an ninh cho Triều Tiên để đổi lấy tiến trình "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" trên Bán đảo Triều Tiên. Theo phán đoán của giới quan sát, trong các cuộc đàm phán sắp tới diễn ra tại Việt Nam vào 27-28/2, Chủ tịch Kim Kong-un có khả năng hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế và cho phép Triều Tiên nhận viện trợ nhân đạo từ các nước khác.
Triều Tiên đã bắt đầu thực hiện các biện pháp cụ thể đối với phi hạt nhân hóa, bao gồm đình chỉ các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. "Mỹ nên có hành động tương ứng" - Uriminzokkiri, website tuyên truyền chính thức của Triều Tiên đăng bài viết ngày 15/2.
Cùng ngày, tờ báo có sức ảnh hưởng lớn nhất quốc gia này cho biết Triều Tiên sẽ phát triển “các mối quan hệ đối ngoại với tất cả các quốc gia tôn trọng chủ quyền của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và cởi mở với mọi sự khác biêệt về quan điểm cũng như hệ thống xã hội”.
Triều Tiên sẵn sàng "bắt tay và tạo ra một lịch sử mới" ngay cả với một quốc gia từng coi là kẻ thù trong quá khứ, nếu hiện tại phía họ có ý cải thiện mối quan hệ, báo Rodong Sinmun nói thêm. "Một số quan chức Triều Tiên rất tự tin về Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với Mỹ. Họ cho biết có thể mong đợi một kết quả lịch sử và đáng ngạc nhiên sau hội nghị", một nguồn tin quen thuộc với tình hình ở Bình Nhưỡng tiết lộ.
Tính đến thời điểm hiện tại, truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn chưa đưa tin chính thức về Hội nghị Thượng đỉnh lần hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều.