Đài Sputnik dẫn báo cáo đăng trên tạp chí y khoa British Medical Journal cho hay người đàn ông trên khoảng 40 tuổi, đã phải nhập viện vì tinh thần bất ngờ suy sụp không lâu sau khi cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6/2016.
Bác sĩ Mohammad Zia Ul Haq Katshu – chuyên gia điều trị cho nam bệnh nhân trên và là Phó Giáo sư tại Viện Sức khỏe Tâm thần thuộc Đại học Nottingham – chia sẻ trên tạp chí rằng vợ người đàn ông này cho biết kể từ khi kết quả trưng cầu được công bố hôm 24/6/2016, chồng bà bắt đầu dành nhiều thời gian để chia sẻ suy nghĩ lên mạng xã hội”.
“Ông ta cảm thấy thật khó chấp nhận những sự kiện chính trị đang xảy ra quanh mình. Ông ta trở nên đặc biệt lo lắng về các vụ phân biệt chủng tộc. Ông ta không thể ngủ nổi”, bác sĩ Katshu cho biết thêm.
Khi nhập viện tại khoa tâm thần, người đàn ông đã cố gắng dùng tay đào bới sàn bệnh viện với ý định chạy trốn khỏi nơi đây. Nam bệnh nhân cũng cho rằng mình bị theo dõi, đồng thời tuyên bố mình cảm thấy xấu hổ vì là người Anh.
“Tâm thần ông ta đã xấu đi nhanh chóng sau khi kết quả trưng cầu được công bố, với những mối lo ngại cụ thể về Brexit. Ông ta bị ảo giác và lo âu, suy nghĩ trở nên rối loạn”, vị bác sĩ thuật lại.
Bệnh nhân bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần phân liệt cấp tính và có thể phục hồi hoàn toàn sau đó. Ông này đã được về nhà sau hai tuần điều trị.
Bình luận về trường hợp trên, ông Katshu cảnh báo những sự kiện chính trị có thể biến thành nhân tố gây căng thẳng tinh thần chính. Ông đồng thời dẫn thông tin từ các cuộc khảo sát tại Anh cho thấy Brexit vẫn là nguồn cơn gây lo âu lớn trong giới trẻ.
Số ngày Anh còn ở trong EU đang hết dần. Thủ tướng Boris Johnson đã cam kết rằng nước Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/10 dù có hay không có thỏa thuận “ly hôn”. Phát biểu với quốc hội ngày 25/9 sau khi cơ quan này trở lại làm việc, Thủ tướng Johnson đã trả lời mạnh mẽ "Không" khi các nghị sĩ yêu cầu ông phải đề nghị EU gia hạn Brexit sau ngày 30/10 nếu không thể có được một thỏa thuận hoặc cơ quan lập pháp Anh không thông qua kế hoạch "Brexit cứng" trước ngày 19/10.
Điều khoản "chốt chặn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit. Điều khoản này quy định sau Brexit, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan trong khi vùng Bắc Ireland duy trì quan hệ thương mại gần gũi hơn với EU để đảm bảo tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, cũng như sự toàn vẹn của "Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành" ký kết năm 1998 vốn mang lại sự ổn định ở vùng này sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Phe bài EU tại Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt vô thời hạn trong những quy định thuế quan của EU và khó tiến tới mục tiêu tự do về kinh tế.