Người dùng điện thoại Huawei có cần lo bán máy sau lệnh cấm của Google

Lệnh cấm Huawei sử dụng các ứng dụng Android của Google đã khiến nhiều người dùng điện thoại Huawei "cuống cuồng" tìm cách bán tháo thiết bị. Nhưng những lo ngại này có thực sự cần thiết?

Chú thích ảnh
Điện thoại gập dòng Mate X smartphone của Huawei. 

Người khổng lồ công nghệ Trung Quốc bị chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại, gian lận và vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran, dẫn đến quyết định cấm cơ quan Chính phủ Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei. 

Tiếp đó, sau khi Huawei bị Chính phủ Mỹ liệt vào “danh sách đen”, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Google, Microsoft, Qualcomm đã ngừng hợp tác với người khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Google đã đình chỉ hợp tác với Huawei bao gồm cả việc chuyển giao các sản phẩm phần cứng, phần mềm. Theo đó, Huawei sẽ mất quyền truy cập vào các bản cập nhật hệ điều hành Android. Những chiếc điện thoại tiếp theo do Huawei sản xuất sẽ mất quyền truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ phổ biến của Google như Maps, Youtube, Gmail, trình duyệt Chrome, hay kho ứng dụng Google Play.

Trước đó, các điện thoại của Huawei đều bị ngừng bán ở Mỹ do những lo ngại về vấn đề an ninh, vì thế một lệnh cấm của Google cũng không thực sự ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ. Nhưng nó hầu như chắc chắn ảnh hưởng đến những thị trường hàng đầu của điện thoại Huawei là châu Âu và châu Á. Các mạng điện thoại ở Anh đang bắt đầu đi theo lệnh cấm ở Mỹ, với EE quyết định loại thiết bị 5G Mate 20X của Huawei khỏi hệ thống 5G của nhà mạng này, trong khi Vodafone gần đây đã hủy một sự kiện khởi động mạng 5G.

Vậy người sử dụng điện thoại Huawei bị ảnh hưởng ra sao sau lệnh cấm của Google?

Giống như điện thoại Samsung, các điện thoại Huawei đang chạy hệ điều hành Android dành cho thiết bị di động của Google. Lúc này thì lệnh cấm chưa có ý nghĩa gì. Google cho biết kho ứng dụng Google Play và các tính năng an ninh đi kèm với Android sẽ vẫn tiếp tục duy trì trên các thiết bị Huawei hiện có. Điều đó có nghĩa điện thoại Huawei P30, Huawei Mate 20 X 5G và các sản phẩm đã được tung ra từ trước vẫn hoạt động ổn. 

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm chụp ảnh điện thoại gập Mate X tại triển lãm Mobile World Congress ở Barcelona tháng 2/2019. Ảnh: AP

Cái bị ảnh hưởng là những thiết bị sẽ được Huawei tung ra trong tương lai, chẳng hạn như dòng Mate 30 dự kiến ra mắt vào tháng 10 năm nay, có thể mất quyền truy cập vào các dịch vụ Android then chốt, bao gồm Google Play, Maps và Gmail.

Chính phủ Mỹ trước đây đã từng tạm nới lỏng một số hạn chế đối với Huawei, điều đó có nghĩa trong 3 tháng tới, công ty này vẫn được phép mua các sản phẩm làm tại Mỹ và cung cấp cập nhật phần mềm với các thiết bị Huawei hiện có.

Hiện tại Google vẫn chưa công bố bản cập nhật sau thông báo từ ngày 29/5, vì thế có vẻ như các thiết bị Huawei của người dùng lúc này vẫn “an toàn”. Nhưng chuyện gì sẽ xảy đến sau khi Google tung bản cập nhật tiếp theo. Liệu điều này có đồng nghĩa điện thoại Huawei sẽ không còn là điện thoại chạy Android nữa?

Không hẳn như vậy. Bất cứ công ty nào thiết kế và chế tạo một điện thoại cũng có thể sử dụng hệ điều hành di động Android vì đó là một tài nguyên mở.

Nếu như không có lệnh cấm thì thông thường Google cung cấp cho các nhà sản xuất thiết bị Android mã sửa lỗi phần mềm của họ khoảng một tháng trước khi công bố chi tiết cho công chúng về các lỗ hổng liên quan. Điều này cho phép các nhà sản xuất có thời gian kiểm tra các bản vá, đảm bảo chúng không gây ra sự cố cho phần mềm của riêng họ và sau đó từng hãng sẽ đóng gói phiên bản sửa lỗi để cho người dùng tải xuống.

Giờ đây do lệnh cấm, Huawei sẽ chỉ có thể biết về các bản vá vào ngày chúng được phát hành cho Dự án mã nguồn mở Android (AOSP), nghĩa là sẽ có độ trễ trước khi có thể phân phối chúng.

Khoảng trễ thời gian sẽ là mối lo ngại đặc biệt nếu như đó là những cập nhật về an ninh. Chẳng hạn, trong vụ spyware (phần mềm gián điệp) WhatsApp hồi tuần trước, người sử dụng điện thoại được khuyến khích cập nhật phần mềm thiết bị của họ để đảm bảo tránh bị tấn công mạng. Vì thế việc không được tiếp cận ngay những cập nhật an ninh Android mới nhất có thể gây rắc rối cho các chủ điện thoại Huawei.

Chú thích ảnh
Điện thoại P10 của Huawei.

Giải pháp của Huawei 

Trong một thông báo, Huawei cho biết: “Công ty sẽ tiếp tục cung cấp các cập nhật an ninh và dịch vụ hậu mãi cho tất cả các điện thoại Huawei, Honor, các sản phẩm máy tính bảng hiện tồn tại, bao gồm tất cả các sản phẩm đã bán và hiện vẫn còn trên kệ hoặc trong kho trên toàn cầu”.

Huawei cũng trấn an rằng họ đã có kế hoạch B. Giám đốc bộ phận người tiêu dùng của Huawei, ông Richard Yu phát biểu với báo Đức, Die Welt hồi tháng 3 năm nay rằng công ty đang tích cực phát triển một hệ điều hành riêng. 

Trong khi đó, một loạt điện thoại Android mới của Huawei đang chuẩn bị ra mắt trong năm nay. Hồi tháng 2, tại Hội nghị Thế giới di động ở Barcelona (Tây Ban Nha), Huawei giới thiệu smartphone 5G đầu tiên của hãng là Mate 20 X 5G. Tiếp theo là sự kiện diễn ra tuần trước ở London, các nhà mạng  O2, Three và EE công bố chính thức thiết bị và mạng 5G. Tuy nhiên, sau rắc rối Google/Android, EE tiết lộ đang rút điện thoại 5G của Huawei khỏi hệ thống. 

Tương lai của smartphone 5G Huawei

Huawei là nhà vô địch ở một trong những nhánh điện thoại tiên tiến nhất, họ đã liên tục giới thiệu thiết kế và sáng tạo kỹ thuật ở những sự kiện công nghệ quan trọng khắp thế giới. 

Đó là cách công ty này vượt ra khỏi vị trí thương hiệu lớn của Trung Quốc trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, bán ra 59,1 triệu điện thoại chỉ trong quý 1 năm 2019.

Lệnh cấm của Google sẽ gây rắc rối với Huawei ở góc độ niềm tin của khách hàng vào công ty, tâm lý bất ổn và do dự của họ khi sử dụng hoặc mua điện thoại Huawei.

Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng tới tương lai của thiết kế điện thoại. Lấy ví dụ với chiếc điện thoại màn hình gập Huawei Mate X. Lâu nay Google đã hợp tác với cả Huawei và Samsung để tạo ra phiên bản Android mới hoạt động tốt trên điện thoại màn hình gập. Với việc chấm dứt mối quan hệ này, thiết kế smartphone của Huawei chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Bởi các lệnh cấm không chỉ liên quan Google. Các nhà sản xuất chip, vốn cung cấp thiết kế và linh kiện cho bộ vi xử lý Kirin của Huawei, trong đó có Qualcomm (Mỹ) và ARM (Anh), cũng phải ngừng hoạt động với công ty Trung Quốc.

Theo BBC News, công ty ARM, do SoftBank (Nhật Bản) sở hữu, đã thông báo với nhân viện rằng họ phải “ngừng toàn bộ các hợp đồng đang chạy, ngừng hỗ trợ quyền lợi và bất cứ liên quan nào” với Huawei. Lý do là vì các thiết kế của ARM bao gồm cả “công nghệ nguồn gốc Mỹ” và cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Tổng thống Trump.
 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tập đoàn Huawei: Lệnh cấm của Mỹ sẽ trực tiếp làm thiệt hại 1.200 công ty Mỹ
Tập đoàn Huawei: Lệnh cấm của Mỹ sẽ trực tiếp làm thiệt hại 1.200 công ty Mỹ

Cố vấn pháp lý Tống Lục Bình của Tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei (Trung Quốc) vừa cho rằng động thái của chính quyền Mỹ đưa tập đoàn viễn này vào "danh sách đen" sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và sẽ gây thiệt hại cho hàng tỷ người tiêu dùng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN