Những người phản đối Tổng thống bị luận tội Park Geun-Hye tuần hành tại Seoul ngày 25/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bà Park Geun-Hye đã bị Quốc hội ra kiến nghị luận tội từ tháng 12/2016 và bị đình chỉ chức vụ tổng thống với cáo buộc đã để cho người bạn thân là bà Choi Soon-sil can thiệp vào các công việc của nhà nước mặc dù không có chức danh chính thức trong chính phủ, cũng như đồng lõa với bạn mình gây sức ép để các công ty lớn của Hàn Quốc đóng góp cho hai quỹ do bà Choi Soon-sil đứng tên và trục lợi cá nhân.
Sau khi vụ việc vỡ lở, hàng triệu người dân Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình hàng tuần nhằm kêu gọi bà từ chức.
Vụ bê bối cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến công việc kinh doanh của Samsung - tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Người kế thừa tập đoàn này và 4 lãnh đạo cấp cao đã bị truy tố vì nhiều tội danh, trong đó có biển thủ và hối lộ. Vụ việc cũng gây chia rẽ lớn trong nhân dân và chính giới Hàn Quốc.
Tòa án Hiến pháp đã kết thúc quá trình điều trần ngày 27/2 và chuẩn bị ra phán quyết. Kiến nghị luận tội của Quốc hội cần được ít nhất 6 trong số 9 thẩm phán phê chuẩn mới có hiệu lực. Tuy nhiên, tòa hiện chỉ còn 8 thẩm phán do Chánh án Park Han-chul đã nghỉ hưu từ ngày 31/1.
Dự kiến, Tòa án Hiến pháp có thể ra phán quyết vào ngày 10/3 hoặc ngày 13/3, trước hoặc trùng với thời điểm quyền Chánh án Lee Jung-mi hết nhiệm kỳ. Trong trường hợp Tòa án Hiến pháp chấp thuận đề xuất luận tội và đình chỉ chức vụ Tổng thống của bà Park Geun-hye, Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày sau đó. Nếu ngược lại, bà có thể trở lại làm việc cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 2/2018.
Trước đó, các công tố viên đặc biệt đã kết thúc cuộc điều tra kéo dài 4 tháng qua và xác định bà Park Geun-hye là một nghi phạm tham nhũng. Bà đã phủ nhận mọi cáo buộc. Hiện, bà Choi Soon-sil đang bị xét xử vì tội ép buộc và lạm dụng quyền lực. Ngoài ra, một loạt cựu cố vấn của tổng thống và thành viên nội các đã bị bắt giữ hoặc truy tố vì dính líu đến vụ bê bối này.