Kỳ thi đại học Suneung được coi là một trong những sự kiện quốc gia thường niên của Hàn Quốc. Vào thứ 5 đầu tiên của tháng 11, khi kỳ thi bắt đầu, các chuyến bay thương mại sẽ tạm dừng 35 phút để tránh gây tiếng ồn, tránh ảnh hưởng đến hiệu quả làm bài thi. Hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính cũng sẽ giao dịch trễ hơn khung giờ bình thường để giảm tải tình trạng tắc đường. Phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu ngầm tăng cường các chuyến để hỗ trợ học sinh tham gia kỳ thi marathon kéo dài 9 tiếng đồng hồ.
“Suneung” là tên viết tắt của kỳ thi đại học Hàn Quốc CSAT - kỳ thi chung chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực để được nhận vào các trường đại học tại Hàn Quốc từ năm 1994. Kỳ thi sẽ bao gồm các môn thi như địa lý, đạo đức, luật pháp và chính trị, lịch sử thế giới và nhiều chủ đề khác. Để đạt điểm cao, học sinh không chỉ cần học hành tốt mà còn phải có lượng kiến thức xã hội khổng lồ.
Học sinh thường bắt đầu học cho kỳ thi Suneung khi mới chỉ 13-14 tuổi, trong những năm đầu khi mới bước vào trung học phổ thông. Các em phải tham gia những lớp học thêm ngoài giờ sau khi học trên lớp. Trung bình thường gian dành cho việc học của một học sinh trung học phổ thông là 16 tiếng/ngày. Rất nhiều học sinh ước mơ được trở thành sinh viên tại các trường đại học hàng đầu như Đại học Seoul, Đại học Yonsei… Trong số hơn nửa triệu học sinh tham dự kỳ thì, chỉ có 2% em đỗ vào những ngôi trường nhóm đầu như vậy. Theo một bài viết trên BBC, thậm chí sau khi hoàn thành kỳ thi “quyết định cuộc đời”, khoảng 70% học sinh sẽ tiếp tục con đường học hành và thi cử thêm chục năm nữa.
Xã hội “giáo dục quá đà”
Hàng triệu người trưởng thành như anh Lee Jin-hyeong vẫn bắt buộc duy trì việc học sau khi tốt nghiệp đại học. “Tôi học hàng ngày, từ 9h sáng đến 1h đêm”, người đàn ông đã 35 tuổi vẫn ngồi cần mẫn tại các phòng học tư và thư viện ở Soeul chia sẻ. Ở độ tuổi đã trải nghiệm một nửa đời người, anh Lee – cử nhân chuyên ngành khoa học máy tính và đang học để thi công chức với hy vọng sẽ trở thành một cảnh sát – vẫn chưa tìm được công việc chính thức đầu tiên nào.
Tại Hàn Quốc, rất nhiều vị trí công việc tri thức trong các ngành công nghiệp như dịch vụ công, thiết kế, báo chí hay ở các tập đoàn lớn như Samsung, LG hay Hyundai đều yêu cầu nhân viên có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ và trải qua các kỳ thi chuyên môn.
Kim Minji (29 tuổi) dành cả thanh xuân để tham gia ít nhất 50 kỳ thi “quyết định cuộc đời’, bao gồm kỳ thi Suneung, thi cấp 2, giấy phép đặc biệt và chứng chỉ nghiệp vụ cho ngành báo chí.
Kim chia sẻ: “Tôi bắt đầu tham gia các kỳ thi này từ tiểu học. Đối với một số kỳ thi, tôi biết nó sẽ thay đổi cuộc đời, nên tôi không thể có những cuối tuần vui chơi, tôi cần dành hết thời gian cho việc học. Tháng 8/2015, tôi có bài thi đầu tiên cho công việc làm báo. Bạn nộp đơn xin việc, sau đó phải trải qua một cuộc thi đầu vào để họ có thể đánh giá kiến thức chung của ứng viên như xã hội, kinh tế, chính trị và thậm chí là chữ Hán. Tôi viết hai bài luận trong hai tiếng đồng hồ và có cả một bài thi ‘uống rượu’ – nơi bên thuê sẽ đánh giá hành vi cử chỉ giao tiếp của ứng viên trên bàn tiệc”.
Kim cho biết những bài thi này có thể kéo dài từ nhiều ngày cho đến vài tuần, và yêu cầu các ứng viên phải “tạm ngưng toàn bộ đời sống cá nhân” để tập trung nhất có thể. Cô nói: "Một vài người bạn của tôi sống ở ngoại ô Seoul phải vào trung tâm trước ngày thi một ngày, thuê khách sạn để dự thi. Có những lần thi kéo dài hàng tuần. Chi phí cho mỗi lần thi rất tốn kém mà họ không biết bao giờ nhận được kết quả hay công ty có chi trả phí cho không”.
Ngay cả khi đã được nhận vào làm, các công việc chuyên môn tại các công ty, đơn vị vẫn cần đánh giá năng lực qua các kỳ thi. “Nếu bạn muốn được thăng chức, bạn cần phải trải qua cuộc thi để thăng chức – bạn cần một số điểm nhất định hoặc chứng chỉ, bằng cấp”, Kim cho hay.
Người Hàn Quốc luôn coi các kỳ thi tiêu chuẩn như một phương tiện khách quan để đánh gia năng lực của một người, ông Shin Gi-wook – giáo sư xã hội học kiêm Giám đốc chương trình Hàn Quốc tại Đại học Stanford – giải thích.
Ông Shin nói: “Người Hàn Quốc đánh giá cao sự thống nhất và do đó cảm thấy thoải mái hơn khi mọi người được đánh giá trên cùng một cơ sở, nơi có rất ít kẽ hở để tranh luận và mang tính chủ quan. Chức năng của các kỳ thi ở Hàn Quốc trong cuộc sống hiện đại là cung cấp hệ thống đánh giá năng lực chuyên môn của một người. Đây được coi là cách dễ và đơn giản nhất để bảo đảm một tương lai trong một xã hội phân cấp cao như Hàn Quốc".
Đối với trường hợp của Lee Jin-hyeong, trong một vài năm trở lại đây, mỗi năm anh phải tham gia kỳ thi công chức 4 lần. Tuy nhiên, cho đến hiện giờ anh vẫn chưa đạt được kết quả đủ điều kiện để chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
“Hầu hết những người ở độ tuổi 20. 30 đều đến thư viện giống tôi mỗi ngày, để học cho kỳ thi trở thành công chức, cảnh sát, lính cứu hỏa. 80% trong số họ đều giống hoàn cảnh của tôi”, anh Lee cho hay.
Rất nhiều người Hàn Quốc trong độ tuổi như anh Lee đều lựa chọn gạt cuộc sống xã hội, việc hẹn hò, kết hôn và những thú vui trưởng thành khác sang một bên, dành toàn bộ thời gian để có được công việc đầu tiên. Nếu không may, khoảng thời gian này có thể mất tới 10 năm. “Họ càng mất nhiều năm học thi, áp lực sẽ càng ngày càng lớn. Xã hội Hàn Quốc rất nhạy cảm đối với tuổi tác. Phần lớn các công ty đều đặt ra một giới hạn về độ tuổi khi thuê nhân viên. Những ai thất bại trong việc chứng minh giá trị của mình trong thị trường việc làm khi còn độ tuổi 20, 30 sẽ có khoảng thời gian khó khăn hơn sau này”, anh Lee chia sẻ.
“Duy trì thái hộ học tập là một điều tốt, nhưng học cả ngày lẫn đêm như nhiều trường hợp tại Hàn Quốc – thật tồi tệ với trẻ em và hoàn toàn không phù hợp với xã hội”, John Lie - một giáo sư xã hội học tại Đại học California, Berkeley –nhận xét.
Giới chuyên gia như Giáo sư Shin cho rằng văn hóa chỉ biết học của Hàn Quốc khiến những người trẻ tuổi nước này không thích nghi tốt trước sự thực khốc liệt của cuộc đời.
“Những người trẻ này dành 25-30 năm cuộc đời của mình để học thi, và khi họ cuối cùng bước ra khỏi vỏ ốc để đến với thế giới thực, họ nhận ra cuộc đời không phải là một bài thi trắc nghiệm và không phải lúc nào cũng có một câu trả lời rõ ràng cho mọi vấn đề. Họ sẽ gặp khủng hoảng giữa đời. Dành cả tuổi trẻ để học thi sẽ chỉ làm cho cả thể chất lẫn tinh thần cạn kiệt”, Giáo sư Shin kết luận.