Làn sóng biểu tình chống Mỹ và các cơ sở của Mỹ tại nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi những ngày này đã ít nhiều tác động tới các chiến dịch vận động tranh cử trong nước của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và đối thủ Cộng hòa Mitt Romney.
Nếu như các vấn đề “cơm áo gạo tiền”, lợi ích sát sườn như tỷ lệ thất nghiệp, nợ công, thâm hụt ngân sách là những trọng tâm được hai ứng cử viên xoáy sâu từ đầu chiến dịch, thì giờ đây, một vấn đề khác thu hút sự quan tâm của cử tri - đó là chính sách đối ngoại của Oasinhtơn đối với các nước vừa trải qua cái gọi là “Mùa Xuân Arập”.
Ngã rẽ bất ngờ
Theo giới chuyên gia, các cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ, biểu tình chống Mỹ khắp Trung Đông – Bắc Phi đang làm chao đảo chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống Mỹ, khi chính sách đối ngoại, cho đến nay hầu như bị lãng quên, lại đột nhiên trở thành một trọng tâm chính. Đây cũng chính là ngã rẽ bất ngờ đối với êkíp vận động tranh cử của cả hai ứng cử viên.
Phần lớn ý kiến cho rằng mặc dù cần thêm thời gian để xem liệu chính sách đối ngoại có tiếp tục là một vấn đề chủ chốt trong thời gian tới hay không, nhưng nếu các sự kiện tiếp tục diễn biến xấu tại hai khu vực nói trên, chúng có thể để lại hậu quả chính trị cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 6/11 tới.
Người Hồi giáo giận dữ đốt cờ Mỹ trong cuộc biểu tình ở Karachi (Pakixtan) ngày 16/9. Ảnh: AFP |
Các cuộc tấn công và biểu tình gần đây được cho là bắt nguồn từ sự giận dữ của những người Hồi giáo đối với một bộ phim phỉ báng đạo Hồi được sản xuất ở Mỹ. Cao trào của làn sóng này là 4 nhân viên ngoại giao Mỹ tại Libi thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ tại nước này.
Chuyên gia phân tích Stuart Rothenberg nhận định, ít nhất trong ngắn hạn, các cuộc tấn công trên có thể làm tăng sự ủng hộ đối với Tổng thống Obama, bởi vì những sự kiện đó cho phép ông Obama, người đã có kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại, nói về những thành tích an ninh quốc gia của ông. Các cuộc tấn công trên cũng khiến công chúng bớt chú ý tới các số liệu việc làm ảm đạm.
Thế nhưng, ông Obama sẽ gặp khó khăn, nếu cuộc khủng hoảng trên kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng bởi vì nếu "tình hình xấu đi, người ta sẽ đặt câu hỏi về thành công của ông Obama trên trường quốc tế".
Thực tế này đã châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Romney, người tiếp tục "tụt xa" so với ông Obama trong các cuộc thăm dò về chính sách đối ngoại, đã lên tiếng công kích. Ông Romney lợi dụng một tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập, không lên án những người biểu tình, mà lên án "những nỗ lực của các cá nhân sai lầm nhằm làm tổn thương những người Hồi giáo".
Ông Romney tuyên bố rằng "thật đáng xấu hổ khi phản ứng đầu tiên của chính quyền Obama không phải là lên án các cuộc tấn công vào các phái bộ ngoại giao của Mỹ, mà lại là thông cảm với những kẻ tổ chức tấn công".
Phe Dân chủ đã phản pháo bằng việc kịch liệt đả kích Romney và cáo buộc ông này đã chính trị hóa vấn đề. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Obama nói rằng ông Romney không biết rõ tình hình và "dường như có khuynh hướng bắn trước rồi mới nhằm vào mục tiêu sau". Một số đảng viên Cộng hòa cũng nghĩ rằng ông Romney dường như "bị cướp cò".
Theo bà Peggy Noonan, một nhà bình luận và trước đây đã viết diễn văn cho cựu Tổng thống R. Reagan, khi có sự việc bi thảm hoặc nóng bỏng xảy ra, những phát biểu điềm tĩnh hoặc không nói gì là tốt nhất.
Không thể phủ nhận một thực tế là vụ việc đã khiến cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ phải chịu những áp lực chính trị của riêng họ. Vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Libi bị chính trị hóa đã làm nổi bật lên những nguy cơ trong nước mà ông Obama phải đối mặt, đặc biệt khi ông Romney yêu cầu ông Obama phải "xin lỗi nước Mỹ". Trong khi đó, ông Romney cũng chịu nhiều chỉ trích vì bị cho là đã lợi dụng vấn đề này để ghi điểm chính trị. Các học giả chính trị cáo buộc ông là "kẻ cơ hội" khi lợi dụng thảm kịch quốc gia này.
Điều chỉnh đối ngoại
Việc bạo lực đang diễn ra trên khắp Trung Đông đang đẩy Tổng thống Obama và người có thể kế nhiệm ông phải đương đầu với thách thức khó khăn nhất từ trước tới nay làm thế nào tránh để "Mùa Xuân Arập" phát triển thành một làn sóng chống Mỹ mới.
Thực tế này đòi hỏi Oasinhtơn phải xem xét lại chính sách của mình đối với khu vực này. Hận thù bắt nguồn từ hàng thập kỷ chính sách đối ngoại của Mỹ. Đôi khi, Mỹ tham gia trực tiếp thông qua can thiệp quân sự, nhưng thường là gián tiếp bằng việc đứng về các bên trong các cuộc xung đột nội bộ mà ít xem xét đến những hậu quả lâu dài. Mỹ đã "thiết kế" và hỗ trợ các cuộc nổi dậy năm ngoái trong thế giới Arập, lật đổ các chế độ cầm quyền tại Tuynidi, Ai Cập, Yêmen và Libi. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn sau đó chỉ làm tăng sự hận thù của nhiều người dân Arập đối với Mỹ.
Rõ ràng, Oasinhtơn đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", thách thức sẽ ngày càng lớn hơn và tồn tại dai dẳng ngay cả sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Trung Đông sẽ nới rộng thêm. Làn sóng biểu tình và tấn công này là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng chủ nghĩa chống Mỹ bằng bạo lực vẫn tồn tại.
Phương Hồ