Chịu áp lực lớn, không thể xả được ở nơi làm việc, về nhà nếu không nhận được sự thông cảm, bao dung, nhiều người lao động ở Hong Kong (Trung Quốc) rơi vào tình trạng “sẵn sàng vỡ tung”.Nhằm tìm hiểu áp lực đối với công việc của người lao động, từ tháng 4 tới tháng 8 vừa qua, Hội liên hiệp Nghề nghiệp Hong Kong (HKFTU) đã tiến hành phỏng vấn đối với 867 người.
Kết quả điều tra của HKFTU được truyền thông Hong Kong vừa đăng tải cho thấy có hơn 70% số người được hỏi cho biết họ phải chịu áp lực công việc rất lớn, nguyên nhân chủ yếu là thời gian làm việc dài, lo sợ làm sai sẽ ảnh hưởng tới tương lai sau nay và bị chủ yêu cầu làm việc ngoài phận sự.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban An toàn Nghề nghiệp của HKFTU Diệp Vĩ Minh, trong số những người làm việc ngày 8 tiếng, tỉ lệ cảm thấy áp lực công việc lớn là 61,6%, đối với những người ngày làm việc từ 11 tiếng trở lên là 96%, cho thấy thời gian làm việc trong ngày càng dài, áp lực công việc càng nghiêm trọng.
Ở khía cạnh ngành nghề, áp lực chạy “định mức” trong ngành bảo hiểm, bất động sản là nghiêm trọng nhất bởi vì thiếu cảm giác an toàn đối với công việc của mình, cho nên, khi thiếu “định mức”, họ thường xuyên phải làm việc quá thời gian quy định.
Chuyên gia tâm lý lâm sàng Lý Việt Mân cho biết áp lực công việc là một sát thủ vô hình. Nhiều người chịu áp lực lớn, không thể xả được ở nơi làm việc, về nhà nếu không nhận được sự thông cảm, bao dung, rất dễ rơi vào tình trạng “sẵn sàng vỡ tung”.
Thông thường, người lao động không biết được rằng áp lực công việc đã vượt qua khả năng chịu đựng của bản thân, nhưng cũng có một số tín hiệu cảnh báo đang trong tình trạng áp lực công việc quá lớn như mất ngủ, tình cảm suy sụp, quan hệ với người thân và bạn bè xấu đi…
Theo chuyên gia tâm lý lâm sàng Lý Việt Mân, khi xuất hiện những tín hiệu cảnh báo nêu trên, người lao động cần nhanh chóng tìm kiếm kênh xả stress và sớm tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ.
Hà Ngọc