Các lực lượng Iraq được triển khai tại thị trấn Fish-Khabur ngày 28/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cửa khẩu Fish-Khabur có vai trò chiến lược đối với khu tự trị của người Kurd vì đây là điểm mà dầu mỏ xuất khẩu của miền Bắc Iraq đi qua để vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập của KRG ngày 25/9, tháng trước, chính quyền trung ương Iraq đã tiến hành chiến dịch quân sự nhằm giành lại quyền kiểm soát tại nhiều nơi trước đây được giao cho KRG quản lý, và đề nghị kiểm soát mọi cửa khẩu biên giới, trong đó có khu vực giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tuần qua, Thủ tướng Haider al-Abadi đã tạm ngừng các chiến dịch quân sự nói trên và bắt đầu tiến hành đàm phán với người Kurd để hóa giải xung đột.
Ủy ban dân phòng của người Kurd cho biết đề xuất trên là một phần trong đề xuất "giảm xung đột" mà chính quyền Baghdad đưa ra hôm 31/10. Các điểm khác gồm ngừng bắn trên mọi mặt trận, tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và cùng triển khai lực lượng tại các vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Tuyên bố của phía người Kurd nêu rõ đề xuất trên "là hành động thiện chí và xây dựng lòng tin, giúp đảm bảo một thỏa thuận hạn chế và tạm thời trước khi đạt một thỏa thuận phù hợp với Hiến pháp Iraq". KRG cũng khẳng định "tiếp tục hoan nghênh một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trên mọi mặt trận, giảm xung đột và khởi động đối thoại chính trị" với Baghdad.
Đề xuất trên được đưa ra 4 giờ sau khi các lực lương quân đội Iraq cảnh báo sẽ nối lại các chiến dịch quân sự chống người Kurd vì cho rằng họ đang trì hoãn chuyển giao quyền kiểm soát biên giới. Bộ Chỉ huy Các chiến dịch hỗn hợp của Iraq (JOC) ngày 1/11 cáo buộc người Kurd đang "câu giờ" nhằm củng cố lực lượng. Tuyên bố của JOC khẳng định: "Các lực lượng liên bang Iraq có sứ mệnh đảm bảo an ninh tại các khu vực (đang tranh chấp) và các vùng biên giới đất nước". Cùng ngày, các lực lượng chính phủ đã lần đầu tiên lập một số điểm kiểm soát ở khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, trải dài 10km từ Fish-Khabur ở Iraq tới Habur trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, mọi phương tiên qua lại khu vực biên giới này đều phải vượt qua 3 tầng kiểm tra, gồm của Thổ Nhĩ Kỳ, của các lực lượng Chính phủ Iraq và của chính quyền người Kurd.
Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng phản đối âm mưu đòi độc lập của người Kurd ở Iraq, lo ngại sự việc này có thể lây lan sang cộng đồng người Kurd ở nước mình.