Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại thành phố Lyons. Ảnh: AFP |
Sau 3 tháng giao thông ngưng trệ, muôn vàn khó khăn ập đến vì bãi công và biểu tình, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã phải thốt lên: "Đất nước này thường 'tự tử' bằng chính chủ nghĩa bảo thủ và sự bất lực trong cải cách".
Các nghiệp đoàn nảy sinh mâu thuẫn nảy lửa với chính phủ, tạo ra các cuộc biểu tình ở mọi nơi, từ các nhà máy lọc dầu tới nhà máy điện hạt nhân rồi nhà ga đường sắt, sân bay... đồng thời nhất quyết không rút lại yêu cầu xóa bỏ dự luật cải cách lao động.
Hàng chục ngàn người biểu tình đã chiếm lĩnh các con phố, cáo buộc chính phủ cố gắng “tiêm nhiễm liều thuốc phản Pháp” của tân chủ nghĩa tự do vào việc bảo vệ người lao động.
Tờ nhật báo Tây Ban Nha El Pais tổng kết về góc nhìn của nước ngoài đối với Pháp hiện nay bằng câu: "Ở Pháp không có cửa cho cải tổ sâu sắc mà chỉ có cách mạng".
Kurt Vandaele, nhà nghiên cứu của Viện Công đoàn có trụ sở tại Bỉ nhận định rằng Pháp nằm trong nhóm 4 nước có nhiều cuộc đình công nhất châu Âu cùng với Hy Lạp, Tây Ban Nha, Cyprus. Điều này xảy ra mặc dù trên thực tế chỉ có 11% số người lao động Pháp là thành viên trong công đoàn.
Vandaele cho biết: "Tại Pháp, số ngày diễn ra đình công mỗi năm gần như gắn liền với đề xuất cải cách của chính phủ, thường liên quan đến thị trường lao động hoặc hưu trí".
Pascal Lamy, cựu Tổng giám đốc WTO và đồng thời cũng là một công dân Pháp, nói rằng các đồng hương của ông có "trở ngại tâm lý" khi xuất hiện vấn đề liên quan đến cải cách.
Stephane Sirot, một nhà sử học phân tích rằng "xung đột văn hóa" đã tồn tại dai dẳng kể từ Cuộc cách mạng Pháp (1789-1799), "các quy tắc xã hội đã bị phụ thuộc vào ý tưởng xung đột trước rồi mới đến đàm phán".
Điều này được cho khá khác biệt với các nước Bắc Âu nơi đụng độ chỉ diễn ra khi đàm phán đã thất bại. Nhưng ông Stephane Sirot cũng cho biết có nhiều yếu tố giải thích cho sự khác biệt giữa các nước châu Âu. Ví dụ như các lao động trong ngành dịch vụ công ở Đức bị cấm biểu tình chiều theo pháp luật nước này.
Kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Pháp đã cố gắng hướng đến hình mẫu hòa bình hơn và một văn hóa đàm phán tập hợp đã dần dần hiện hữu, ít nhất là trong các công ty, Sirot cho biết. Trong khi chỉ vài trăm thỏa thuận đã đạt được giữa công đoàn và các công ty trong thập niên 70 thì hiện nay gần 40.000 thỏa thuận đã được thông qua.
Nhưng thách thức lớn nhất với chính phủ Pháp thực ra đến từ trong chính nội bộ nghị trường. Một số nghị sĩ đảng Xã hội Pháp đã từ chối ủng hộ đạo luật cải cách lao động.