Trong khi người dân được khuyến cáo không nên ra ngoài để giảm thiểu sự lây lan của virus, Lanying Guo vẫn bắt đầu công việc tại gian hàng bán bánh bao trong một con hẻm nhỏ ở Bắc Kinh vào lúc tờ mờ sáng như các ngày bình thường khác.
Guo chỉ kiếm được một khoản tiền nhỏ vào cuối tuần trước. Cô hy vọng sẽ có nhiều khách hàng hơn khi mọi người bắt đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng con hẻm vẫn im ắng, không một bóng người. Lệnh phong tỏa thành phố khiến việc bán hàng của Guo trở nên khó khăn hơn, quầy hàng bánh bao của cô hầu như không có ai ghé mua.
“Thực sự, tôi chưa kiếm được đồng nào trong gần 2 tuần nay. Tôi không biết liệu mình có thể kéo dài bao lâu. Tôi rất muốn sống”, cô Guo nói trong nước mắt.
Trước đó, để kiểm soát dịch bệnh, Bắc Kinh đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà như nhiều tỉnh và thành phố khác ở Trung Quốc.
Guo đang mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Cô đã phải lọc máu suốt 4 năm qua. Sau khi ly hôn và không có con, cô đã phải hoàn toàn tự lập. Hiện tại, Guo phải đến bệnh viện lọc máu ba ngày mỗi tuần. Không có thu nhập hàng ngày để chi trả cho các lần điều trị, cô sẽ không thể kéo dài sự sống.
Kênh Aljazeera (Quatar) cho biết dịch bệnh do virus Corona gây ra đã khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng nề, nhưng đối với những người lao động chân tay tự do như cô Guo, việc mất thu nhập sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.
Theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), chỉ có 54,5% người lao động Trung Quốc như nhân viên giao hàng hay công nhân xây dựng được tuyển dụng vào các doanh nghiệp chính chức. Những người còn lại đều là những lao động tự do, không có hợp đồng lao động, thu nhập bấp bênh và không có bảo hiểm hỗ trợ.
Ông Shao’an Huang, giáo sư kinh tế tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung Quốc, cho biết: “Lúc nào cũng có mâu thuẫn giữa việc tối đa hóa nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh và việc giảm thiểu tác động kinh tế khi chúng tôi đưa ra giải pháp cho nền kinh tế vĩ mô và giải pháp cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân”.
Trong trường hợp của Jun Xiang, những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ không chỉ ảnh hưởng đến anh mà còn với cả gia đình anh.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, anh Xiang là một công nhân xây dựng ở Vũ Hán. Anh về quê ở tỉnh Hồ Nam để đón Tết Nguyên đán. Sau đó, Vũ Hán đã bị phong tỏa khiến anh vô cùng lo lắng vì không tìm được việc kiếm tiền nuôi sống gia đình và cho con gái đi học.
“Tôi là một công nhân xây dựng trung tâm Greenland tại Vũ Hán”, Xiang tự hào giới thiệu và đề cập đến một tòa nhà chọc trời chưa hoàn thành ở Vũ Hán. Tại đây, công nhân xây dựng thường được trả tiền theo giờ hoặc theo ngày. Nếu không làm việc, họ sẽ không được trả tiền.
“Thành thật mà nói, nếu được quay lại Vũ Hán làm việc, tôi sẵn sàng đến đó bởi con gái tôi cần được đi học. Ở đây, không ai thuê tôi làm việc. Họ coi chúng tôi như những con virus”, anh Xiang chia sẻ.
Cô Guo và anh Xiang chỉ là hai trong số hàng trăm triệu người có hoàn cảnh khó khăn đang phải kiếm sống trong hoàn cảnh không thuận lợi.
Các nhà nghiên cứu đã đề xuất chính quyền nên trợ cấp cho các nhóm thu nhập thấp và cung cấp thực phẩm cho mọi người ở nhà khi thành phố vẫn tiếp tục bị phong tỏa.
“Chính phủ nên đảm bảo các nhóm thu nhập thấp và những người thất nghiệp được hưởng mức sinh kế ổn định mà không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đó cũng là trách nhiệm của chính phủ trong việc giải quyết bất ổn của xã hội”, ông Hongze Ren, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Hengda thuộc Đại học Tsinghua nói.
Theo dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Trung Quốc công bố, thu nhập trung bình năm 2019 của người dân Trung Quốc là 3.262 USD, nhưng hơn 60% dân số vẫn có thu nhập ít hơn con số này.
Khi số người ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi virus Corona đang tiếp tục tăng, những người lao động như Guo hay Xiang có thể khó tuân theo yêu cầu hạn chế ra ngoài của chính phủ.
“Mọi người nói rằng tôi vô trách nhiệm khi không ở trong nhà. Tôi hiểu điều đó. Nhưng có lẽ họ không hiểu tiền có ý nghĩa như thế nào với tôi. Đó là cuộc sống của tôi”, Guo nói.