Tại Trác Châu – một thành phố nhỏ phía Bắc Trung Quốc, Zhu đã tạm dừng thanh toán trả góp căn hộ sau khi chủ đầu tư không xây dựng một tuyến đường sắt như đã hứa hẹn, cho phép người dân tại khu vực tới Bắc Kinh để thuận tiện công việc.
Cô Zhu là một trong 1.000 người mua nhà của dự án trên đã tạm ngưng thanh toán trả góp, sau khi năm ngoái phát hiện chủ đầu tư chậm trễ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng xung quanh.
"Tôi không làm gì sai, vậy tại sao tôi phải gánh chịu mọi hậu quả?”, cô Zhu bày tỏ khi trả lời phóng viên hãng tin Reuters.
Tại thành phố Đại Lý phía Tây Nam Trung Quốc, chủ doanh nghiệp nhỏ Li vẫn đang đợi chuyển vào căn hộ đáng nhẽ ra phải được bàn giao cách đây 2 năm.
“Chủ đầu tư đã 4 lần thông báo hoãn bàn giao nhà kể từ cuối năm 2018. Chúng tôi đã hoàn toàn đánh mất lòng tin vào họ”, anh Li chia sẻ cả gia đình phải sống chen chúc nhau trong một căn hộ thuê với cha mẹ.
Li và một chủ căn hộ khác của dự án cho biết chủ đầu tư thông báo họ không thể giao chìa khóa cho khách hàng vì không có tiền trả các nhà thầu xây dựng.
Chủ đầu tư đứng sau dự án chung cư ở Đại Lý là Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hải Đông hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về sự việc trên. China Fortune Land Development - nhà phát triển dự án chung cư ở Trác Châu trước đó cũng gây xôn xao dư luận với khoản nợ 5,7 tỷ USD.
Hai trường hợp trên đã khắc họa rõ nỗi lo nợ nần ngày càng tăng của các nhà phát triển ở các thành phố nhỏ. Nhiều công ty đã lao vào vay nợ không kiểm soát.
Song Hongwei, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn bất động sản Tospur có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến các khoản vỡ nợ gia tăng trong năm nay và thị trường nên theo dõi chặt chẽ các chủ đầu tư có tỷ lệ nợ cao có hoạt động kinh doanh tập trung tại các thành phố nhỏ hơn”.
Theo dữ liệu từ Viện Quốc gia của Tài chính & Phát triển, các khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản đã tăng gấp 4 lần vào năm ngoái lên 26,6 tỷ nhân dân tệ (4,1 tỷ USD), trong đó đứng đầu là China Fortune Land với khoản nợ 8,7 tỷ nhân dân tệ.
Các nhà phân tích lo ngại về khả năng rủi ro khi các công ty vỡ nợ. Viện Nghiên cứu Đầu tư Zhixin có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Một số công ty bất động sản có đòn bẩy tài chính cao và vòng quay vốn yếu đang phải đối mặt với áp lực trả nợ ngắn hạn tương đối lớn. Môi trường tài chính nghiêm ngặt có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền mặt và có khả năng xảy ra vỡ nợ chéo giữa các nhà phát triển, quỹ tín thác và các tổ chức tài sản bên thứ ba”.
Theo quy mô cấp quốc gia, giá nhà vẫn đang có xu hướng tăng, với mức tăng trung bình 4,9% tại 70 thành phố lớn trong năm ngoái. Tuy nhiên, giá nhà ở 19 thành phố nhỏ lẻ đã giảm mạnh so với mức đạt đỉnh vào năm 2017 và 2018. Hiện 7,8 dân số Trung Quốc sinh sống tại 19 thành phố này.
Một số người mua nhà nhận thấy họ có ít khả năng đòi được nhà thông qua các phương tiện chính thức. Zhu, vẫn sống và làm việc tại Bắc Kinh, hy vọng việc không thanh toán khoản trả góp cùng những khách mua khác sẽ gây sức ép, buộc China Fortune Land ngồi vào bàn đàm phán.
“Tôi đến từ nông thôn với hy vọng làm việc chăm chỉ để kiếm được nhà riêng ở thành phố, nhưng bây giờ tôi đang đứng trước nguy cơ có một căn nhà ảo”, Zhu ngậm ngùi.