Người Mỹ gốc Hàn-Triều chụp ảnh tự sướng bên ngoài Nhà Trắng để chào mừng hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: straitstimes.com
|
Trả lời phóng viên bên ngoài Lãnh sự quán Hàn Quốc ở khu Koreatown, cô Yuri Kim nhập cư vào Mỹ cách đây 4 năm, hy vọng hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ dẫn tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Nhận định về nhà lãnh đạo Triều Tiên, cô Kim cho rằng ông Kim Jong-un đã thể hiện là một người "đáng tin và kiên định" kể từ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4 vừa qua.
Trong khi đó, ông Kwang Yoon, một kỹ sư 59 tuổi, cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa diễn ra đánh dấu "bước đi đầu tiên" hướng tới hòa bình lâu dài. Ông nhận định cần thời gian để giải quyết các vấn đề, và nếu hai bên không đối thoại sẽ dẫn tới những hiểu lầm.
Chung quan điểm trên, ông Sean, 90 tuổi, sinh ra ở Triều Tiên, cho biết ông đã sống qua rất nhiều thời kỳ mà các nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đều thất bại, ông hy vọng sự cố gắng của các bên lần này sẽ mang đến thành công. Ông Sean cũng cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đã sẵn sàng "thay đổi lập trường".
Đối với Jeffrey Wang, đầu bếp một nhà hàng ở Koreatown, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua là một bước phát triển đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ông Wang vẫn tỏ ra hoài nghi về kết quả cuối cùng của cuộc gặp.
Sau cuộc gặp tại Singapore ngày 12/6, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã ký Tuyên bố chung, trong đó hai bên nhất trí thiết lập quan hệ song phương kiểu mới và nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên; Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên; và cam kết tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), gồm cả việc đưa những hài cốt đã được nhận dạng về nước ngay lập tức.