Phát biểu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 11/3, Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẽ ngừng tất các hoạt động nhập cảnh từ châu Âu vào Mỹ trong vòng 30 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ đêm 13/3, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nguy hiểm. Quy định này áp dụng đối với 26 quốc gia châu Âu, song ngoại trừ Vương quốc Anh và Ireland cũng như các công dân Mỹ.
Hãng Reuters đưa tin tuyên bố bất ngờ của nhà lãnh đạo Mỹ đã làm gián đoạn kế hoạch di chuyển của hàng chục ngàn người cũng như giáng một cú đòn lớn vào các hãng hàng không vốn đang lao đao vì dịch bệnh. COVID-19 vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố là đại dịch toàn cầu và đã khiến trên 4.900 người thiệt mạng, 134.716 người nhiễm bệnh.
“Điều đó gây ra một cơn hoảng loạn diện rộng”, Anne Grace, 20 tuổi, sinh viên Mỹ tại Đại học Suffolk nói. Cô đang trong chuyến du lịch châu Âu đầu tiên và phải nhanh chóng đổi vé để bay về quê nhà từ sân bay Barajas ở Madrid thay vì đi đến Pháp như kế hoạch đã định.
Gần đó, bà Cristina Elvira, một người hưu trí đang chờ máy bay về Miami, cảm thấy an tâm khi sắp sửa rời khỏi Tây Ban Nha. Những ngày gần đây, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Tây Ban Nha đã tăng mạnh, biến quốc gia này trở thành vùng chịu ảnh hưởng nặng nề ở châu Âu sau Italy và Pháp.
“Chúng tôi vẫn còn may mắn khi có thể rời châu Âu”, bà Elvira nói trong lúc làm thủ tục lên máy bay. Chuyến bay của bà là một trong số 20 chuyến khởi hành từ Tây Ban Nha đến Mỹ trong ngày 12/3.
Tuy nhiên, một số người lại cảm thấy lo lắng về điều sẽ xảy ra khi họ đặt chân tại nước Mỹ. “Tôi phải đổi vé và đẩy sớm chuyến đi. Nếu không, tôi sẽ mắc kẹt khi biên giới đóng cửa”, ông Miguel Paracuellos, một người Tây Ban Nha làm việc tại Mỹ chia sẻ. Tổng thống Trump từng nói rằng ông buộc phải hành động như vậy bởi Liên minh châu Âu không thể đưa ra các biện pháp đúng đắn để ngăn chặn virus lây lan.
Tại sân bay chính ở Paris là Roissy Charles de Gaulle, hành khách Jon Lindfors bày tỏ sự lên án về kế hoạch của Tổng thống Trump – người từng gây hoang mang khi đề xuất cấm cả hoạt động thương mại và vận tải hàng hóa từ châu Âu. Ông chủ Nhà Trắng sau đó đã làm rõ trên mạng xã hội Twitter rằng “thương mại sẽ không bị ảnh hưởng”.
Theo ông Lindfors, quyết định của ông Trump không hề rõ ràng và thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Jon Lindfors làm việc tại một hãng thiết bị dẫn nước. Đáng nhẽ, ông sẽ bay về nước vào ngày 14/3 nhưng buộc phải thay đổi kế hoạch.
Bên cạnh đó, một tiếp viên hàng không hãng Delta cho hay lệnh cấm đi lại của ông Donald Trump đã khiến hãng này không kịp xoay xở. “Mọi chuyện sắp trở thành mớ hỗn độn lớn. Chúng tôi không lường trước điều này. Chúng tôi không nắm rõ toàn bộ thông tin, không hiểu lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi và công ty ra sao”, người này nói.
Trong khi đó, ngày 11/3, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo cũng sẽ áp đặt một hạn chế đi lại 60 ngày với các quân nhân, các quan chức bộ này cũng như gia đình của họ đến, đi tới hoặc quá cảnh các nước trong danh sách "Cấp độ 3" từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, có hiệu lực vào ngày 13/3.
Lệnh hạn chế này bao gồm các nước như Trung Quốc, Iran, Italy và Hàn Quốc. Thông báo của Lầu Năm Góc đưa ra sau khi nhiều quân nhân tại ngũ của Mỹ có dấu hiệu ốm trong bối cảnh bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới. Mỹ cũng đã có quân nhân đầu tiên đóng ở Hàn Quốc nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các biện pháp trên của chính quyền Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh số ca có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng nhanh tại các thành phố và các bang của Mỹ, báo hiệu khả năng khó có thể kiểm soát được dịch bệnh tại quốc gia này. Hiện đã có ít nhất 29 bang của Mỹ có người mắc bệnh COVID-19.