"Người nhện" trong phim điện ảnh là nhân vật có thể leo trèo, bám chắc trên bề mặt các tòa cao ốc. |
Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí “Proceedings” của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ số ra ngày 18/1.Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đến từ Khoa Động vật học thuộc trường Đại học Cambridge (Anh) đã tiến hành so sánh trọng lượng và kích cỡ lòng bàn chân của 225 loài động vật leo trèo như các loại côn trùng, ếch, nhện, thằn lằn và thậm chí cả một động vật có vú.
Họ nhận thấy rằng diện tích bám chắc của lòng bàn chân của các loài động vật trên tăng tỷ lệ thuận với trọng lượng của chúng. Ví dụ như tắc kè, thạch sùng, những loài động vật nổi tiếng là “thợ leo trèo tài ba” nhất trong thế giới tự nhiên, chúng chỉ cần có 4,3% diện tích bề mặt cơ thể có khả năng bám dính tốt, lớn gấp khoảng 200 lần so với một con ve để có thể bám chắc các bề mặt.
Theo các nhà khoa học, tỷ lệ trên đặt ra giới hạn đối với kích thước của các loài động vật có thể khả năng leo trèo bởi những động vật lớn hơn sẽ đòi hỏi một bề mặt tiếp xúc có khả năng bám dính lớn hơn và một đôi chân to “không tưởng”. Điều đó đồng nghĩa nếu một người muốn dễ dàng “đi trên các bức tường như Người nhện” cần có “một miếng dính chiếm 40% diện tích bề mặt cơ thể, hoặc tương đương 80% cả thân trước”. Và để có thể leo trèo dễ dàng như loài tắc kè, người đó cần phải có một đôi chân khổng lồ với kích cỡ 145 của châu Âu và 114 của Mỹ.
Với kết luận trên, các nhà nghiên cứu hy vọng việc tìm hiểu sâu hơn về giới hạn kích cỡ lòng bàn chân có khả năng bám dính có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển các loại chất dính sinh học trong tương lai.