Người biểu tình tụ tập tại Paris ngày 12/4. Ảnh: The New York Times |
Cảnh sát Paris cho biết nhóm người biểu tình đã đập phá một siêu thị, một trung tâm việc làm và một số trạm xe buýt cùng xe điện. Vụ bạo động xảy ra ngay sau phát biểu của Tổng thống Hollande trên kênh truyền hình quốc gia về dự luật đang được coi là có lợi cho giới chủ. Bản thân nhiều thành viên đảng Xã hội của ông Hollande cũng cho rằng dự luật sửa đổi lao động trên đi ngược lại nỗ lực bảo vệ người lao động Pháp.
Trước đó, ngày 9/4 vừa qua, hơn 200 cuộc biểu tình phản đối việc sửa đổi Luật Lao động tập hợp khoảng 120.000 người đã diễn ra tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp như Paris, Marseille, Rennes, Strasbourg, Toulouse... Đây là cuộc biểu tình quy mô lần thứ sáu diễn ra tại Pháp kể từ khi dự luật lao động mới được chính phủ đưa ra. Cuộc biểu tình được 4 tổ chức công đoàn gồm CGT, FO, Solidaires, FSU và 3 hiệp hội học sinh, sinh viên gồm UNEF, UNL, FIDL khởi xướng.
Tình trạng căng thẳng liên quan tới dự luật này đã diễn ra hơn một tháng qua tại Pháp. Mặc dù chính phủ Pháp đã công bố nhiều điểm sửa đổi trong dự luật sau các cuộc trao đổi trực tiếp với đại diện các tổ chức công đoàn và hiệp hội học sinh, sinh viên, và các phiên thảo luận tại Quốc hội, nhưng các cuộc biểu tình phản đối vẫn tiếp diễn.
Thủ tướng Manuel Valls và Bộ trưởng Bộ Lao động Myriam El Khomri cũng nhiều lần khẳng định rằng với việc sửa đổi Luật Lao động, chính phủ muốn giới chủ linh hoạt hơn, khuyến khích các doanh nghiệp tăng tuyển dụng người lao động khi họ ít bị rằng buộc hơn bởi các khoản đóng góp và bồi thường cho người lao động.
Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn đã phản ứng lại và cho rằng các quy định cho phép doanh nghiệp dễ dàng sa thải nhân công là làm phương hại đến lợi ích của người lao động.