Theo tạp chí Science, bệnh nhân 47 tuổi nói trên lần đầu tiên nhập viện vì COVID-19 vào mùa xuân năm 2020 tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) tại bang Maryland (Mỹ). Tình trạng bệnh của cô kéo dài suốt gần một năm và liên tục được theo dõi thông qua các xét nghiệm dương tính lặp đi lặp lại cộng với những triệu chứng kéo dài, đòi hỏi phải được hỗ trợ thở oxy tại nhà.
Mặc dù các xét nghiệm của bệnh nhân cho kết quả dương tính, nhưng mức độ virus SARS-CoV-2 trong cơ thể vẫn rất thấp trong vài tháng sau khi mắc bệnh. Sau đó, vào tháng 3/2021, nồng độ virus trong cơ thể bệnh nhân bắt đầu tăng đột biến.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh bộ gien từ các mẫu thu thập được trong lần lây nhiễm ban đầu của bệnh nhân với bộ gien gần đây hơn và nhận thấy rằng loại virus này giống nhau. Hay nói cách khác, bệnh nhân không bị tái nhiễm, mà là liên tục chứa lượng virus tương tự trong gần một năm.
Tạp chí Science cho biết virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể nữ bệnh nhân trên vì hệ miễn dịch của cô đã bị tổn hại do điều trị ung thư hạch trước đó, một bệnh ung thư liên quan đến một phần của hệ miễn dịch.
Bệnh nhân đã được điều trị thành công bằng liệu pháp tế bào Cart-T cách đây khoảng 3 năm. Liệu pháp CAR-T sử dụng tế bào T - tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân - được lập trình lại để nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư trên khắp cơ thể. Quá trình này bao gồm việc lấy một số tế bào T ra khỏi cơ thể bệnh nhân và thông qua các quy trình trong phòng thí nghiệm, các tế bào T này được lập trình lại để có thể "nhận diện" các tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân.
Khi các tế bào T đã được lập trình để xác định các tế bào ung thư của bệnh nhân, chúng sẽ được nhân lên trong phòng thí nghiệm và truyền trở lại bệnh nhân. Các tế bào T được lập trình lại này lưu thông khắp cơ thể, xác định các tế bào ung thư và tiến hành một cuộc tấn công miễn dịch chống lại chúng.
Tuy nhiên, liệu pháp Cart-T cuối cùng đã làm suy yếu hệ miễn dịch của nữ bệnh nhân, khi làm cơ thể cạn kiệt dần tế bào B, vốn là các tế bào của hệ miễn dịch có nhiệm vụ tạo ra kháng thể.
Trước đây, đã có những báo cáo lẻ tẻ về những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch trải qua thời gian chiến đấu và loại bỏ virus COVID-19 lâu hơn dự kiến, chẳng hạn như một bệnh nhân ung thư máu ở Washington đã loại bỏ virus trong 70 ngày. Nhưng trường hợp của nữ bệnh nhân ung thư hạch nói trên là lâu nhất được ghi nhận cho tới nay.
Tác giả nghiên cứu cấp cao Elodie Ghedin - nhà virus học phân tử tại NIH, nói với tạp chí Science, các trường hợp lây nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu “cho chúng ta một cửa sổ để xem xét cách virus khám phá không gian di truyền”. Bằng cách phân tích các mẫu từ bệnh nhân này và những người bị nhiễm virus kéo dài khác, các nhà nghiên cứu có thể thấy được rõ sự tiến triển của virus.
Trong mẫu virus SARS-CoV-2 được lấy từ bệnh nhân ung thư hạch bạch huyết, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai loại gien bị xóa (đột biến xóa các phần của bộ gien), một trong số các gien mã hóa protein gai của virus (là “cánh tay” mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào trong cơ thể người) và một phần khác. Đó là một sự xóa bỏ rất lớn bên ngoài protein gai – một khu vực mà phần lớn vẫn chưa được giới khoa học biết đến do thiếu nghiên cứu.
Các nhà khoa học khác cũng đã phát hiện ra hiện tượng xóa bỏ tương tự ở khu vực đó bên ngoài protein gai ở những bệnh nhân bị nhiễm virus mãn tính.
Nhiễm virus mãn tính rất hiếm gặp, nhưng tình trạng này có thể dẫn đến các biến thể mới, vì virus có nhiều thời gian và không gian hơn để tiến hóa trong cơ thể có hệ miễn dịch suy yếu.
Nữ bệnh nhân bị ung thư hạch trong nghiên cứu nói trên cùng đã loại bỏ được virus và có nhiều xét nghiệm âm tính kể từ tháng 4 năm nay.