Khi Hàn Quốc tuyên bố dỡ bỏ hầu hết các quy định hạn chế phòng dịch COVID-19 trong tháng này, nữ nhân viên văn phòng Jang 29 tuổi cảm thấy lo lắng thay vì hạnh phúc.
Quyết định chấm dứt giãn cách xã hội có thể khiến văn hóa đi ăn nhậu sau giờ làm của dân công sở - tiếng Hàn là “hoeshik” – quay trở lại. Cô Jang là một trong số rất nhiều nhân viên trẻ coi đây là một văn hóa “lỗi thời” chiếm phần nhiều thời gian cá nhân của nhân viên.
“Hoeshik là một phần trong đời sống công sở, chỉ là việc đó không được trả lương thôi”, Jang sinh sống và làm việc tại Seoul chia sẻ.
Từ tuần trước, Hàn Quốc đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trước nửa đêm đối với quán bar, nhà hàng cũng như quy định giới hạn các nhóm cá nhân dưới 10 người. Trước đó, với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ chính quyền, các công ty áp dụng chính sách làm việc từ xa và hạn chế các cuộc tụ tập không cần thiết, như là ăn nhậu sau giờ làm.
“Điều tồi tệ nhất trong những cuộc ăn nhậu sau giờ làm là bạn không biết nó kết thúc khi nào. Uống rượu liên tục, những bữa nhậu như này có thể kéo dài tới tận nửa đêm”, Jang nói.
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, ngày càng nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là những nhân viên trẻ tuổi, tỏ ra ngán ngẩm với những cuộc nhậu sau giờ làm của công ty hay các sự kiện tương tự, ví dụ như kỳ nghỉ dưỡng của công ty hoặc đi bộ cuối tuần với đồng nghiệp.
Một chuyên gia nhận định khoảng thời gian bị gián đoạn do đại dịch phần nào khiến văn hóa heoshik dần biến mất.
Suh Yong-gu, Giáo sư chuyên ngành marketing tại Đại học Nữ sinh Sookmyung, cho biết: “Giờ đây, các nhân viên đã biết thế nào là có thời gian riêng dành cho bản thân. Các công ty sẽ không thể khôi phục lại hoàn toàn văn hóa tụ tập sau bữa tối và cuối tuần như trước”.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Incruit Corp - một nhà điều hành website tuyển dụng, gần 80% người được hỏi cho biết văn hóa nhậu nhẹt sau giờ làm của công ty họ đã thay đổi trong thời kỳ đại dịch, với 95% trong số đó bày tỏ hài lòng về sự thay đổi này.
Hai năm qua đã cho nữ nhân viên văn phòng trẻ Jang biết những buổi tối không có “hoeshik” là như thế nào. Cô dành nhiều thời gian hơn để làm việc nhà, chuẩn bị bữa tối và tập thể dục.
Kim Woon-bong (30 tuổi), trở thành một công chức vào năm ngoái, chia sẻ anh cảm thấy may mắn khi không phải trải qua văn hóa hoeshik bắt buộc do các quy định giãn cách xã hội trong dịch.
"Tôi thực sự thích các bữa ăn tụ họp được tổ chức trong giờ ăn trưa, vì tôi biết nó sẽ kết thúc lúc 1 giờ chiều”, Kim nói.
Giáo sư Suh cho biết bất chấp việc các nhân viên trẻ ngày càng không thích tham gia các bữa nhậu sau giờ làm, nhiều quản lý cấp cao tin rằng những cuộc tụ họp như vậy là cần thiết để xây dựng mối quan hệ giữa các đồng nghiệp.
“Đó sẽ là một vấn đề xung đột giữa thế hệ cũ và thế hệ mới. Ngay cả khi văn hóa tụ tập sau giờ làm trở lại, chúng sẽ không thể được tổ chức thường xuyên như trước đây”, Giáo sư Suh đánh giá.
Trong khi nhiều công ty đã bắt đầu yêu cầu nhân viên trở lại làm việc tại văn phòng, một số công ty đang tìm kiếm một mặt bằng mở, lựa chọn mô hình làm việc hybrid linh hoạt thay vì 8 tiếng ngồi làm ở văn phòng.
Ví dụ, công ty viễn thông điện tử SK Telecom đang áp dụng mô hình không gian làm việc mới, cho phép nhân viên lựa chọn làm việc tại nhà, tại trụ sở chính hay tại các điểm làm việc nhỏ mà công ty mới mở.
"Chúng tôi không có hướng dẫn cụ thể về văn hóa heoshik, nhưng chúng sẽ ít tổ chức hơn khi nhiều nhân viên lựa chọn làm việc tại nhà. Quan trọng là chúng tôi không bận tâm đến việc nhân viên của mình làm việc ở đâu hay tần suất họ đến văn phòng, miễn là điều đó giúp cải thiện năng suất làm việc và hiệu quả công việc", một nhà quản lý cấp cao của công ty yêu cầu giấu tên cho hay.