Gặp gỡ cộng đồng người Việt ở các thành phố LB Nga trong thời gian vừa qua có thể thấy nhiều tâm sự về việc kinh doanh khó khăn. Từ những khu chợ khổng lồ có đông người Việt buôn bán như chợ Lyublino hay chợ Sadavod (Chợ chim) ở thủ đô Moskva cho tới những chợ nhỏ hơn như chợ km41 (Moskva), chợ thành phố Yaroslav, chợ Alpaksin Dvor của thành phố St. Peterburg, đâu đâu cũng có thể thấy cảnh chợ "đuội", người mua thưa thớt hẳn so với trước, nhiều quầy hàng đóng cửa hay treo biểu cho thuê.
Người Việt kinh doanh tại chợ Alpaksin. |
Tới khu chợ Alpaksin Dvor ở ngay trung tâm thành phố St. Peterburg, nơi có khoảng 50-60 hộ người Việt buôn bán, có thể thấy cả một dãy quầy mà theo lời người Việt kinh doanh tại chợ là nơi có vị trí đẹp nhất, giá thuê cao nhất, song nay dãy quầy này cửa đóng then cài, không được các tiểu thương ngó ngàng tới.
Một bác người Việt kinh doanh tại chợ cho biết trước đây bác cũng thuê 1 quầy ở đó với giá 400.000 rúp/tháng (11.000 USD) song do làm ăn thua lỗ bác phải chuyển sang thuê 2 quầy khiêm tốn hơn, vị trí xấu hơn, giá 60.000 rúp/tháng song khách mua hàng rất thưa thớt.
Chị Nguyễn Thị Lức (55 tuổi, người Gia Lộc, Hải Dương) kinh doanh tại chợ Alpaksin đã được 5 năm, chia sẻ: "Mấy năm trước, làm ăn còn ổn, mấy năm nay khủng hoảng kinh tế làm ăn càng khó khăn, chỉ đủ ăn chứ không để ra được gì". Chị cho biết đang cân nhắc trong mấy năm tới xem có tiếp tục làm ăn tại Nga hay không.
Với tâm trạng tương tự, Chị Trần Thị Xuân Hoa, sang St. Petersburg làm ăn đã gần 20 năm, bán hàng tại chợ Alpaksin đã 10 năm khẳng định "thời điểm này là lúc làm ăn khó khăn nhất" song do cả gia đình - chồng và 2 con đều ở đây nên chẳng thể bỏ về Việt Nam hay chuyển đi chỗ khác được vì con cái vẫn dở dang học hành.
Chị vẫn quyết bám trụ, tuy nhiên nhiều tháng tiền lãi không đủ nộp thuế chợ. Thay mặt cho tất cả bà con, chị Hoa đề nghị cộng đồng tìm cách hướng dẫn họ các hướng kinh doanh mới.
Dẫy quầy bỏ không tại chợ Alpaksin. |
Với một cộng đồng người Việt không lớn - khoảng 1.000 người trong đó 500 người làm ăn buôn bán còn 500 người là các sinh viên, nghiên cứu sinh sang học tập ngắn và trung hạn, ban lãnh đạo cộng đồng người Việt ở St. Petersburg khá sát sao và rất quan tâm tới hoạt động kinh doanh buôn bán của bà con ở đây.
Ông Dương Chí Kiên, Phó chủ tịch chi hội người Việt ở St. Petersburg, cho biết hiện hoạt động kinh doanh truyền thống đơn thuần của bà con người Việt đã khó dần do khủng hoảng kinh tế, đây là thử thách đối với cộng đồng người Việt cũng như ban chấp hành hội người Việt ở đây. Tuy nhiên ban chấp hành đã đề ra một loạt các biện pháp, ý kiến để tập hợp sức mạnh, sự đoàn kết trong cộng đồng nhằm tìm ra hướng đi mới để cộng đồng có thể ổn định và phát triển.
Theo ông Kiên, phương châm của ban chấp hành là người mạnh giúp đỡ người yếu hơn, người có khả năng lập doanh nghiệp giúp đỡ để tạo công ăn việc làm cho càng nhiều bà con càng tốt. Ông bày tỏ tin tưởng St. Petersburg là thành phố lớn thứ 2 của Nga, thành phố du lịch nổi tiếng cũng như là cảnh biển lớn, cửa sổ của châu Âu vì vậy nếu người Việt biết thay đổi tư duy, triển vọng để ổn định và phát triển là rất lớn.
Ông Kiên cho biết nhiều người Việt đã chuyển hướng sang làm du lịch, nhà hàng hay mở xưởng sản xuất, đi vào lĩnh vực công nghiệp nhẹ vẫn còn thiếu của Nga, tạo được thêm công ăn việc làm cho bà con.
Tin, ảnh: Duy Trinh (Pv TTXVN tại LB Nga)