Nhiều người nông dân chia sẻ rằng họ đang bị dồn vào chân tường bởi các biện pháp mới của Liên minh châu Âu (EU) và chi phí tăng cao. Giá phân bón và nhiên liệu tăng vọt ở châu Âu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, người nông dân cho biết họ đang đối mặt với sức ép trên khắp lục địa.
Đức là quốc gia châu Âu mới nhất chịu tác động bởi làn sóng phản đối của giới nông dân. Trong tuần trước, người nông dân đã biểu tình, đưa máy cày chặn các lối vào cao tốc, gây gián đoạn giao thông khắp nước Đức. Họ phản đối kế hoạch từ chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz chủ trương xóa bỏ mức giảm thuế với nhiên liệu họ sử dụng. Trong tháng 1, người biểu tình còn bao vây Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khi ông cố gắng xuống phà trong kỳ nghỉ cùng gia đình.
Tâm tư của người nông dân
Theo tờ Guardian, trong những năm gần đây, nông dân Tây Âu gia tăng đấu tranh quyết liệt chống lại các chính sách bảo vệ hành tinh mà họ cho là tốn kém. Hà Lan là nơi ghi nhận phản ứng dữ dội nhất. Phán quyết của tòa án về lượng khí thải nitơ vào năm 2019 đã châm ngòi cho biểu tình phản đối nỗ lực của chính phủ nhằm đóng cửa các trang trại và cắt giảm số lượng gia súc gia cầm. Thậm chí một đảng chính trị mới đã ra đời vào năm 2019 sau diễn biến này với tên Phong trào Công dân Nông dân theo chủ nghĩa dân túy trọng nông (BBB).
Ở Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp, nông dân cũng thể hiện bất bình về tác động của các kế hoạch cải cách môi trường và chi phí cao. Nông dân Tây Ban Nha đã xuống đường ở Madrid vào tháng 1/2023 sau khi chính phủ công bố kế hoạch hạn chế lượng nước họ có thể lấy từ con sông Tagus bị hạn hán. Tháng 2 cùng năm, nông dân Pháp lái máy cày qua Paris để phản đối lệnh cấm một số loại thuốc trừ sâu.
Ba Lan và các quốc gia Đông Âu khác cũng ghi nhận làn sóng tương tự, mặc dù chúng chủ yếu liên quan đến việc nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ của Ukraina vào EU.
Cựu giáo sư tại Đại học Wageningen ở Hà Lan – ông Jan Douwe van der Ploeg nhận thấy những điểm tương đồng quan trọng trong các trường hợp này, đó là bảo vệ hiện trạng. Ông nhận định với kênh DW (Đức) rằng lo ngại thường liên quan đến quyền tiếp tục sử dụng các khoản trợ cấp hoặc duy trì tiêu thụ năng lượng hóa thạch, thuốc trừ sâu. Ông kết luận: “Tất cả đều là những biểu hiện rõ ràng của nền nông nghiệp công nghiệp hóa".
Dưới đây là video máy cày của nông dân Đức xuất hiện tại Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin (nguồn: Reuters):
Rủi ro với mục tiêu khí hậu
Trên hết, các quan chức EU lo ngại về nguy cơ phải đẩy lùi các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng đã chuyển thành luật theo Ủy ban châu Âu. EU đặt mục tiêu tổng thể đến năm 2050 đạt mức phát thải "bằng 0". Đối với nông nghiệp, những thay đổi được lên kế hoạch bao gồm giảm 50% lượng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030.
Với cuộc bầu cử nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 6, một số người lo lắng rằng những kế hoạch này sẽ không còn an toàn nếu nghị viện châu Âu nghiêng về cánh hữu. Ông Marco Contiero tại tổ chức Greenpeace phân tích nguy cơ này đã được thể hiện rõ ràng qua diễn biến liên quan đến Luật Phục hồi Thiên nhiên. Đạo luật này được Nghị viện châu Âu thông qua với tỉ lệ sít sao vào năm 2023 sau cuộc phản kháng vào phút chót bởi Đảng Nhân dân châu Âu (EPP). EPP chiếm nhiều ghế nhất trong nghị viện châu Âu muốn đóng vai người bảo vệ lợi ích của nông dân trước kế hoạch trả lại đất nông nghiệp cho môi trường sống tự nhiên. Ông Contiero nói với DW: “Các đảng bảo thủ cũng như nhiều đảng cánh hữu đã quyết định tận dụng các cộng đồng nông nghiệp như một công cụ bầu cử để đạt được kết quả tốt hơn”.
Cô Anne-Kathrin Meister thuộc Liên đoàn Thanh niên Nông thôn Đức (BDL) cho rằng ngành nông nghiệp không phản đối cải cách môi trường nhưng cần được hỗ trợ nhiều hơn. Theo cô, nông dân là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên khi hệ thực vật và động vật bị suy thoái. Tuy nhiên, chi phí môi trường đi kèm với cái giá mà người tiêu dùng cũng phải sẵn sàng chi trả.