Nguy cơ ‘2 nước Mỹ’ xuất hiện khi tốc độ tiêm chủng chững lại

Các nhà nghiên cứu về đại dịch COVID-19 đang cảnh báo bức tranh về “hai nước Mỹ”– gồm người được tiêm vaccine và chưa được tiêm vaccine - sẽ xuất hiện nếu tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục giảm như hiện nay.

Chú thích ảnh
Điểm tiêm chủng COVID-19 vắng bóng người tại Washington, D.C ngày 1/6. Ảnh: AFP

Dẫn kết quả thăm dò của CBS News/YouGov, báo Anh Guardian cho biết chỉ có 52% người dân theo đảng Cộng hòa cho biết họ đã đi tiêm vaccine, trong khi 29% bày tỏ họ không có ý định tiêm vaccine. Trong khi đó, 77% người theo đảng Dân chủ trả lời họ đã được tiêm vaccine và số người phản đối việc tiêm phòng chỉ là 5%.

“Tôi gọi đó là hai quốc gia COVID-19”, Peter Hotez, một nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Y Baylor ở Houston, trả lời phỏng vấn tờ BuzzFeed News.

Bette Korber, một nhà sinh vật học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở New Mexico, dự báo biến thể Delta sẽ nhanh chóng trở thành biến thể virus SARS-CoV-2 lây lan phổ biến nhất ở Mỹ trong một vài tuần tới và nó sẽ đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng tại quốc gia này có dấu hiệu chững lại.

Ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Joe đã kêu gọi những người Mỹ chưa đi tiêm chủng hãy làm việc đó càng sớm càng tốt.

"Ngay cả khi chúng ta đang đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc thì COVID-19 vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng và chết người", nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu từ Nhà Trắng, nói rằng biến thể Delta khiến những người chưa được tiêm phòng "thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn so với cách đây 1 tháng”.

Các nhà phân tích đại dịch cũng cảnh báo mục tiêu tiêm vaccine cho ít nhất 70% dân số Mỹ trước ngày Quốc khánh 4/7 của chính quyền Tổng thống Biden sẽ có thể không đạt được vì những sáng kiến khuyến khích tiêm chủng đang mất dần sức hút.

Những nỗ lực nhằm đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng đã được đưa ra thông qua nhiều hình thức khuyến khích, từ bánh hamburger miễn phí đến bia miễn phí, học bổng đại học và thậm chí cả giải thưởng xổ số trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đã mất đi sức hút ban đầu hoặc không hiệu quả sau này.

Nhà phân tích Irwin Redlener tại Sáng kiến Ứng phó và Nguồn lực Đại dịch thuộc Đại học Columbia nhận định: “Những ưu đãi đó dường như không hiệu quả. Mọi người không thấy hứng thú”.

Tại bang Ohio, một chương trình xổ số tạo cơ hội cho 5 người tiêm vaccine trúng giải thưởng lên tới 1 triệu USD đã giúp tăng tỷ lệ đăng ký tiêm chủng lên 40% trong hơn một tuần đầu tiên. Tuy nhiên, một tháng sau, tỷ lệ đó thậm chòn còn giảm xuống dưới mức trước khi có chương trình xổ số.

Dữ liệu ban đầu tại hai bang Oregon và North Carolina – hai nơi triển khai giải thưởng xổ số tương tự Ohio – cũng cho thấy tỷ lệ tiêm chủng không tăng bao nhiêu.

Các quan chức cảnh báo cánh cửa giữa việc cải thiện tốc độ tiêm chủng và mối đe dọa từ biến thể Delta dễ lây lan hơn đang bắt đầu đóng lại. 

Scott Allen làm việc tại đơn vị y tế quận ở Webster (bang Missouri) chia sẻ: “Tôi chắc chắn tình hình không trở nên tốt hơn nếu chúng ta không tăng tốc tiêm chủng. Bang đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 và số ca nhập viện trong ngày tăng gần gấp đôi trong hai tuần qua”.

Nhìn chung, các ca mắc mới ở Mỹ đã tăng lên mức trung bình hàng ngày khoảng 15.000 ca sau khi giảm do chương trình tiêm chủng của quốc gia được đẩy mạnh. Tuy nhiên, số lượng người đăng ký tiêm liều đầu tiên đã giảm từ 2 triệu xuống còn 360.000 vào giữa tháng 4.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Malaysia nghiên cứu giảm thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca
Malaysia nghiên cứu giảm thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Y tế Malaysia, Adham Baba cho biết nước này đang nghiên cứu khả năng rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 từ 12 tuần xuống còn 6 tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN