Sri Lanka đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kinh tế trong vài tháng qua, với việc nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu và cạn kiệt xăng dầu, thuốc men và dự trữ ngoại hối trong bối cảnh khủng hoảng cán cân thanh toán trầm trọng.
Kết quả là sự phẫn nộ của công chúng với chính phủ đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên đường phố và biến động chính trị, buộc Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và Nội các của ông phải từ chức, đồng thời bổ nhiệm một thủ tướng mới.
Theo báo Deutsche Welle (Đức), nhiều người ở Bangladesh lo sợ rằng nước này có thể gặp phải tình huống tương tự, do thâm hụt thương mại gia tăng và gánh nặng nợ nước ngoài.
Bangladesh đã nhập khẩu hàng hóa trị giá hơn 61 tỷ USD (58 tỷ euro) trong 9 tháng đầu năm tài chính 2021-2022, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, xuất khẩu tăng với tốc độ chậm hơn với 32,9%, trong khi lượng kiều hối từ những người Bangladesh sống ở nước ngoài - nguồn ngoại hối quan trọng - giảm khoảng 20% trong 4 tháng đầu năm 2022 so với năm trước, xuống còn 7 tỷ USD.
Muinul Islam, một nhà kinh tế học người Bangladesh và từng là Giáo sư tại Đại học Chittagong, lo ngại rằng thâm hụt thương mại có thể tăng lên trong những năm tới do nhập khẩu đang tăng với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu.
"Nhập khẩu của chúng tôi dự kiến đạt 85 tỷ USD năm nay, trong khi xuất khẩu sẽ không quá 50 tỷ USD. Mức thâm hụt thương mại 35 tỷ USD không thể được bù đắp chỉ bằng kiều hối. Chúng tôi sẽ phải đối mặt với khoản thiếu hụt khoảng 10 tỷ USD", vị chuyên gia trên nói.
Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng dự trữ ngoại hối của Bangladesh đã giảm từ 48 tỷ USD xuống còn 42 tỷ USD trong 8 tháng qua, lo ngại rằng chúng có thể giảm thêm trong những tháng tới, cùng với xu hướng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu tiếp diễn, có nguy cơ dẫn đến phá giá đáng kể đồng nội tệ của nước này so với đồng USD.
Vay ồ ạt cho dự án “voi trắng”
Bangladesh, giống như Sri Lanka, cũng đã vay nước ngoài trong những năm gần đây để tài trợ cho cái mà các nhà phê bình gọi là các dự án "voi trắng" (khoản đầu tư rất tốn kém để duy trì nhưng hoàn toàn không có lãi).
Theo Islam, những "dự án không cần thiết" này có thể gây ra rắc rối khi đến thời điểm trả nợ. Ông nói: "Chúng tôi đã vay 12 tỷ USD từ Nga cho một nhà máy điện hạt nhân có công suất sản xuất chỉ 2.400 MW. Chúng tôi có thể trả nợ trong 20 năm nhưng số tiền trả góp sẽ là 565 triệu USD mỗi năm từ năm 2025. Đây là một ví dụ tồi tệ về các dự án ‘voi trắng’".
Theo ước tính của các khoản vay nước ngoài, tổng cộng, quốc gia này có thể sẽ phải trả 4 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2024. Ông Islam nhấn mạnh: “Tôi lo rằng Bangladesh sẽ không thể trả các khoản vay trên vào thời điểm đó vì thiếu hụt nguồn thu từ các dự án lớn”.
Thêm vào các vấn đề nợ nần và thâm hụt là giá các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Cuộc xung đột Nga-Ukraine, bắt đầu vào cuối tháng 2/2022, cũng đã làm gia tăng áp lực lạm phát. Bangladesh đặc biệt dễ bị tổn thương do nước này nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa như dầu ăn, lúa mì và các mặt hàng thực phẩm khác, cũng như nhiên liệu.
Nazneen Ahmed, nhà kinh tế Bangladesh tại văn phòng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ở Dhaka cho biết những người nghèo đang chịu thiệt hại nặng nề nhất vì giá các mặt hàng này tăng chóng mặt.
Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn lạc quan về triển vọng của Bangladesh, cho rằng các chỉ số kinh tế hiện tại có thể cải thiện khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.