Mức độ ô nhiễm không khí tăng mạnh tại Trung Quốc và một số nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh khác ở châu Á đã làm gia tăng cường độ của các cơn bão xuất hiện vào mùa đông ở khu vực Tây-Bắc Thái Bình Dương. Đây là kết luận từ nghiên cứu do nhóm của Giáo sư Yuan Wang, thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ California (Mỹ) tiến hành, công bố trên tạp chí "Nature Communications" ngày 21/1.
Các nhà khoa học đã xây dựng một mô hình trên máy tính mô phỏng sự dịch chuyển của không khí ô nhiễm ở khu vực phía bắc vĩ tuyến 30 độ, từ Đông Á sang phía Đông Nhật Bản - một khu vực được xem là "rốn bão" trong tháng 1 và tháng 2; đồng thời, nghiên cứu dữ liệu vệ tinh trong các giai đoạn 1979-1988 và 2002-2011, là thời điểm trước và trong khi diễn ra hiện tượng "bùng nổ" kinh tế ở châu Á, nhất là tại Trung Quốc. Kết quả cho thấy, rõ ràng trong giai đoạn kinh tế châu Á phát triển nhanh, cường độ của các cơn bão tăng lên mặc dù tần suất và địa điểm không thay đổi.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính là do không khí bị ô nhiễm bởi các hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, và bởi khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp và các phương tiện vận tải. Hoạt động này tạo ra lượng muội lớn, rất có hại đối với môi trường. Lượng muội này tồn tại trong không khí đã tác động đến cơ chế ngưng tụ hơi nước trong các đám mây và sự phân bố nhiệt của các cơn bão.
Không khí ô nhiễm đã đẩy nhanh quá trình ngưng tụ của hơi nước trong các đám mây vì những hạt "aerosol" (những hạt bụi rất nhỏ bay lơ lửng trong không khí) tạo thành hạt nhân để hơi nước ngưng tụ xung quanh. Các đám mây ô nhiễm chứa lượng hơi nước ngưng tụ cao gấp 4 lần so với bình thường, kéo theo lượng mưa trong khu vực cũng tăng lên gần 7%.
Ngoài ra, các hạt "aerosol" cũng đẩy nhanh quá trình hình thành các đám mây ti (kiểu mây đặc trưng bởi các dải mỏng do hơi nước đóng băng thành tinh thể nước đá ở độ cao trên 8.000m), là tác nhân gây nên hiện tượng ấm lên của nước trên bề mặt đại dương và cung cấp nhiệt hình thành các cơn bão. Mức nhiệt tăng thêm này có thể lên tới gần 11%.
Nghiên cứu trên của giáo sư Wang cùng với nghiên cứu của giáo sư Chang-Hoi Ho, thuộc Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc)
được công bố trước đó, đã góp phần giải thích hiện tượng khu vực Đông Á phải hứng chịu các cơn bão lớn với cường độ mạnh trong những năm qua. Nghiên cứu này cũng đã làm rõ hơn tác động của các hạt "aerosol" đối với môi trường - một lĩnh vực vẫn còn nhiều tranh cãi trong khoa học nghiên cứu về khí hậu.
TTXVN/Tin tức