Nguy cơ bế tắc sau tổng tuyển cử Bulgaria

Bulgaria có nguy cơ rơi vào bế tắc chính trị và đối mặt với làn sóng biểu tình mới trong dân chúng khi kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 12/5 cho thấy không đảng nào giành đủ đa số phiếu cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ.

Dựa trên số phiếu được kiểm tại 164 điểm bầu cử, đảng Công dân Bulgaria vì sự phát triển châu Âu (GERB) theo đường lối bảo thủ của cựu Thủ tướng Boyko Borisov dẫn đầu với 30,1% phiếu bầu, nhưng không đủ đa số cần thiết để thành lập chính phủ mới. Tiếp đến là đảng BSP theo đường lối xã hội chủ nghĩa với 26,1% số phiếu, đảng nhỏ MRF của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ giành 11,6% và đảng Ataka theo đường lối dân tộc cực đoan được 7,8%.

Lãnh đạo Đảng Xã hội Bulgaria Sergey Stanishev bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Sofia ngày 12/5. Ảnh: AFP-TTXVN


Các cuộc thăm dò dư luận ngoài phòng bỏ phiếu cũng cho thấy GERB giành từ 29,6-32% số phiếu; BSP 25,6-26,2%, MRF 9,9-13,4% và Ataka 7,0-8,5%. Hiện chưa rõ đảng Mặt trận Dân tộc vì Giải phóng Bulgaria (cực hữu) có vượt qua ngưỡng tối thiểu 4% cần thiết để có chân trong Quốc hội hay không. Tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ chiếm khoảng 50% trong số 6,9 triệu cử tri đủ tư cách.

Các nhà thăm dò cho rằng GERB khó có thể liên danh với Ataka để thành lập đa số cho dù là đa số mong manh vì trước ngày bầu cử, Ataka đã từ chối ủng hộ mà đảng này trước đây vẫn dành cho chính phủ đa số của ông Borisov. Trong khi đó, BSP và đối tác trong liên minh trước đây là MRF cũng gần chiếm đa số trong Quốc hội 240 ghế. Người đứng đầu BSP đã công khai phản đối liên danh với GERP, tuyên bố chỉ ủng hộ một nội các chống khủng hoảng bao gồm các nhà kỹ trị giành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.

Theo các nhà quan sát, nếu không thành lập được chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn này thì Bulgaria sẽ phải đối mặt với một cuộc tổng tuyển cử khác, dự kiến vào mùa Thu tới và như vậy, chính phủ tạm quyền hiện nay sẽ tiếp tục giữ chèo lái đất nước trong tình hình khó khăn hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc Bulgaria sẽ lại chứng kiến các cuộc biểu tình chống nghèo đói và tham nhũng từng làm chấn động quốc gia nhỏ bé này, buộc chính phủ của ông Borisov phải từ chức hôm 20/2 để mở đường cho tổng tuyển cử trước thời hạn.

Sáu năm sau khi gia nhập Liên minh châu Âu, gần 1/4 dân số Bulgaria vẫn sống dưới mức nghèo (theo quy chuẩn chính thức của EU). Bế tắc chính trị đe dọa sẽ tàn phá nền kinh tế vốn đã yếu kém của Bulgaria với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,8% trong năm 2012 và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, chiếm tới khoảng 20% lực lượng độ tuổi lao động.


Một bộ phận cử tri phàn nàn rằng các chính khách đang dành quá nhiều thời gian cho những tranh cãi vặt vãnh và làm giàu bản thân, chưa tập trung giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước, vấn nạn tham nhũng và tình trạng bất bình đẳng xã hội.


TTXVN/ Tin tức

Chính phủ Bungari từ chức trước sức ép biểu tình
Chính phủ Bungari từ chức trước sức ép biểu tình

Thủ tướng Bungari Boiko Borisov ngày 20/2 công bố quyết định từ chức của chính phủ do ông đứng đầu trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ trên cả nước trong suốt một tuần qua và gần đây đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN