Biến thể BA.5 đã trở thành biến thể chiếm ưu thế ở Mỹ trong vài tuần, gây ra những lo ngại về một làn sóng lây nhiễm lớn thứ hai của Mỹ.
Sự xuất hiện của BA.5 cũng trùng với thời điểm mà phần lớn nước Mỹ đã nới lỏng hầu hết các biện pháp kiểm soát COVID-19 ở nơi công cộng và cuộc sống người dân phần lớn đã trở lại bình thường.
“Rõ ràng là COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Chúng ta đang chứng kiến mức gia tăng đáng kể về số ca bệnh và số ca nhập viện ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ”, ông Jason Salemi, Phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Y tế Công cộng của Đại học Nam Florida, nói.
Theo chuyên gia trên, sau khi BA.5 bắt đầu tung hoành ở Mỹ, tình hình đã chuyển hướng xấu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo hơn 1/3 người Mỹ sống trong cùng một quận có nguy cơ mắc COVID-19 ở mức trung bình và 1/5 có nguy cơ mắc bệnh cao. Đó là tỷ lệ cao nhất của quốc gia này kể từ tháng 2/2022.
Hiện có trên 100.000 trường hợp mắc mới COVID-19 ở Mỹ mỗi ngày. Con số này vẫn khá ổn định trong sáu tuần qua. Trong khi số ca bệnh ở phía Đông Bắc đã tăng chậm lại, các đợt bùng phát lại xuất hiện ở những nơi khác của đất nước.
Theo ông Jason Salemi, các biến thể mới lưu hành có nhiều cơ hội phát triển nhờ yếu tố suy giảm khả năng miễn dịch và khả năng bảo vệ suy yếu từ vaccine.
Ngoài ra, số người nhập viện đã tăng đều đặn kể từ khi số ca giảm xuống thấp nhất vào tháng 4, mặc dù mức tăng không quá mạnh hay lập đỉnh như các đợt bùng phát trước. “Bạn càng lớn tuổi, bạn càng có nhiều nguy cơ phải nhập viện. Nhưng số người nhập viện đang tăng lên đối với mọi lứa tuổi”, ông Salemi nói.
Số ca nhập viện hiện có xu hướng chậm hơn số ca mắc mới hơn vài ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ ổn định giữa ca mắc và ca nhập viện ngày càng tăng có thể cho thấy khả năng miễn dịch của cộng đồng đang bị suy yếu khi đối mặt với một biến thể dễ lây lan và né tránh hơn. Virus này cũng đang phát triển để phá “lá chắn” miễn dịch của tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh.
Ông Tulio de Oliveira - Giám đốc Mạng lưới Giám sát Bộ gien ở Nam Phi - cho biết các đặc tính né tránh miễn dịch của một số biến thể đang phát triển đã làm tăng nguy cơ xảy ra các làn sóng mới.
Theo ông, BA.4 và BA.5 có khả năng là những biến thể có thể phá vỡ khả năng miễn dịch dễ dàng nhất, cũng như làm gia tăng nguy cơ tái nhiễm. Tại Nam Phi, BA.1 - biến thể Omicron đầu tiên - cung cấp rất ít khả năng bảo vệ khỏi BA.4 và BA.5. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng kháng thể được tạo ra do nhiễm BA.1 không thể ngăn ngừa tái nhiễm sau hai hoặc ba tháng.
Ông nói rằng việc nhiễm BA.2 dường như có hiệu quả bảo vệ hơn, có thể vì làn sóng đó xảy ra gần đây hơn.
Nhưng trong khi hiệu quả ngăn ngừa mắc hoặc tái mắc có thể thấp, khả năng miễn dịch hình thành trước đó vẫn có thể chống lại hậu quả nghiêm trọng như nhập viện và tử vong.
Những người đã được chủng ngừa và những người đã bị nhiễm bệnh trước đây đều dễ dàng mắc BA.4 và BA.5, nhưng họ sẽ ít phát triển bệnh nặng.
Phó giáo sư Jason Salemi một lần nữa khẳng định tiêm phòng chính là chiếc chìa khoá then chốt để bảo vệ một người khỏi mắc COVID-19 thể nặng. “Mũi tiêm tăng cường thứ nhất và thứ hai rất quan trọng”, ông Salemi khẳng định.
Tuy nhiên, chỉ có 34% người Mỹ đủ điều kiện đã tiêm liều tăng cường theo khuyến cáo của CDC. Những người có khả năng miễn dịch kém - trong đó có những người chưa tiêm hoặc chưa mắc COVID-19 - có thể bị bệnh nặng hơn.
Ở Nam Phi, làn sóng này đến nhanh chóng và kết thúc cũng nhanh chóng, song vẫn ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế khi người dân không thể làm việc do mắc bệnh.
Do đó, điều cần thiết để giảm thiểu các tác động chính là tuân thủ những biện pháp kiểm dịch đã được chứng minh hiệu quả: tiêm vaccine, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, đảm bảo thông gió và xét nghiệm thường xuyên.
Ông De Oliveira nhấn mạnh mỗi lần lây nhiễm đều mang đến cho virus SARS-CoV-2 cơ hội mới để tiến hóa và thoát khỏi khả năng miễn dịch. "Loại virus này đã khiến chúng ta bất ngờ quá nhiều lần”, ông nói.
Ngày 6/7, Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đã nêu bật các thách thức có thể khiến làn sóng mới COVID-19 mạnh hơn.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong đợt dịch mới, thế giới đứng trước 4 thách thức lớn, có thể khiến COVID-19 lây lan nhanh. Trước hết, đó là tỷ lệ xét nghiệm đã giảm tại nhiều quốc gia. Điều này khiến các nước không có cái nhìn hoàn chỉnh về sự phát triển của virus cũng như thực tế dịch bệnh trên toàn cầu, kéo theo giới chuyên gia không thể đưa ra các biện pháp điều trị đủ sớm để ngăn ngừa các ca bệnh diễn tiến nặng và tử vong.
Trong khi đó, các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng virus tiềm năng chưa đến tay người dân tại các nước thu nhập thấp.
Không chỉ vậy, khi virus phát triển, khả năng bảo vệ của vaccine sẽ suy yếu. Miễn dịch cơ thể suy giảm cho thấy tầm quan trọng của các mũi tăng cường vaccine, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ cao nhất.
Cuối cùng, các đợt bùng phát mới khiến số người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài tăng lên, ảnh hưởng đến các bệnh nhân và gia đình, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và kinh tế, xã hội nói chung.