Ví dụ, tại Dubai, một thành phố đồng thời cũng là 1 trong 7 tiểu vương quốc của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nhiệt độ hằng ngày thường cao trên 40 độ C trong vài tháng trong năm và khó chịu hơn khi kết hợp với độ ẩm cao. Người dân Dubai thường rời thành phố đến những nơi mát mẻ hơn vào những tháng nóng nực nhất trong năm trong khi những người ở lại thành phố thì “ẩn náu” ở những nơi có điều hoà nhiệt độ và đặt mua hàng hóa, thực phẩm qua các lái xe giao hàng. UAE là một trong số những nước khô cằn nhất trên thế giới và trong vài năm qua, nước này đã sử dụng máy bay không người lái để làm mưa nhân tạo chống lại nắng nóng.
Giáo sư nghiên cứu về khí hậu tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Elfatih Eltahir cảnh báo vùng Vịnh có nguy cơ ngày càng tăng trở thành nơi con người không thể sinh sống được do biến đổi khí hậu. Ông nói: “Nhìn chung, mức độ căng thẳng nhiệt sẽ tăng đáng kể. Với nhiệt độ và độ ẩm cao hơn dự kiến vào cuối thế kỷ này, một số nơi của vùng Vịnh sẽ trải qua các giai đoạn ‘tình hình căng thẳng nhiệt sẽ không phù hợp với sự tồn tại của con người”. Theo Giáo sư, hiện tượng này sẽ không thường xuyên xảy ra mà sẽ xảy ra theo giai đoạn là cứ trong 7 năm xảy ra 1 hoặc 2 lần.
Sự kết hợp của nắng nóng và độ ẩm khá cao có nguy cơ gây tử vong nếu cơ thể con người không thể giải nhiệt thông qua đổ mồ hôi. Các nhà khoa học tính toán rằng một người trưởng thành khoẻ mạnh trong bóng râm với nước uống không hạn chế sẽ tử vong nếu nhiệt độ bầu ướt (TW) - chỉ số thực nghiệm thể hiện sự căng thẳng nhiệt mà một cá thể phải tiếp xúc, vượt quá 35 độ C trong 6 giờ đồng hồ. Ngưỡng nhiệt mang tính lý thuyết này lâu nay được cho sẽ không bao giờ vượt qua. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Mỹ năm ngoái đã ghi nhận 2 địa điểm vượt qua ngưỡng nhiệt 35 độ C TW là ở UAE và Pakistan.
Theo báo cáo mới của Ủy ban liên chính phủ của LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố trong tháng này, biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn lo ngại trước đây do các hoạt động của con người. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo hoạt động khai thác và sử dụng nhiên liệu hoá thạch này đang phá huỷ hành tinh.
Lời kêu gọi giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đặt ra thách thức về kinh tế cho các nước vùng Vịnh, từ Saudi Arabia, nước đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tới Oman và Qatar.
Trong những năm gần đây, một số quốc gia vùng Vịnh đang nỗ lực cải thiện bảo vệ môi trường và đa dạng hoá nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Cụ thể, UAE đặt mục tiêu tăng sự phụ thuộc vào năng lượng sạch tới 50% vào năm 2050 và giảm “dấu chân carbon” trong sản xuất điện tới 70%. Tại thành phố Abu Dhahi của UAE, một nhà máy điện Mặt Trời lớn nhất thế giới đang được xây dựng. Khi đưa vào vận hành, nhà máy này có thể cung cấp điện cho khoảng 160.000 hộ gia đình trên toàn quốc. Dự kiến, nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2022.
Còn Bahrain, nước ghi nhận nhiệt độ trung bình vào mùa Hè thường dao động từ 35-40 độ C đặt mục tiêu đạt 10% năng lượng tái tạo vào năm 2035 trong khi nước láng giềng Saudi Arabia có tham vọng đa dạng hoá nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ khi công bố hồi tháng 3 một chiến dịch sản xuất năng lượng tái tạo chiếm ½ tổng điện năng của nước này vào năm 2030. Trong khi đó, Kuwait – nước hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu hoá thạch, thông báo mục tiêu đạt 15% năng lượng tái tạo vào năm 2030.