Dẫn lời ông Brendan Sobie – nhà sáng lập công ty tư vấn hàng không Sobie Aviation có trụ sở tại Singapore, kênh tin tức Channel News Asia (CNA) cho biết ngành du lịch và hàng không tại Đông Nam Á đang trải qua một thời kỳ khó khăn khi làn sóng dịch bệnh mới với những con số kỷ lục ập đến, phá tan mọi kế hoạch khôi phục việc đi lại quốc tế của các nước trong khu vực.
Theo chuyên gia phân tích, hiện Đông Nam Á phải đối mặt với tốc độ phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến kinh tế và khó thu hút khách du lịch quốc tế trong vài năm tới.
Vaccine ngừa COVID-19 là chìa khóa để mở cửa biên giới ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đã có trên 25 quốc gia trên toàn cầu miễn quy định kiểm dịch cho những khách du lịch đã tiêm vaccine.
Tuy nhiên, với diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, khu vực Đông Nam Á lại không thể nào ngay lập tức nới lỏng các biện pháp đó. Thậm chí, một số quốc gia còn tăng thời gian cách ly từ 14 lên 21 ngày ngay cả đối với những du khách đã tiêm chủng vaccine. Điều này vô hình chung khiến lưu lượng nhập cảnh từ quốc tế không thể khôi phục nhanh chóng.
Trong vài tháng qua, lượng khách quốc tế đến Đông Nam Á chỉ ở mức khoảng 3% so với hồi trước đại dịch, thấp hơn một chút so với mức trung bình của châu Á-Thái Bình Dương là 4% và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn cầu hiện đạt khoảng 15%.
Khoảng cách giữa châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới sẽ tăng lên trong vài tháng tới khi các khu vực khác dần mở cửa trở lại, đặc biệt là đối với những du khách đã tiêm phòng.
Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 ở Đông Nam Á hiện ở mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục, nhưng điều quan trọng là các chính phủ cần phải bắt đầu lập kế hoạch mở cửa biên giới dần dần.
Mô hình mẫu Thái Lan
Ngày 15/6, Chính phủ Thái Lan tuyên bố mở cửa đối với những khách du lịch đã tiêm vaccine trong vòng 120 ngày. Đây được coi là một hình mẫu quốc gia Đông Nam Á vạch ra kế hoạch mở cửa biên giới rõ ràng.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là khởi điểm khi Thái Lan chỉ là một nước và đã có nhiều thay đổi đột ngột trong chính sách trong một vài tháng qua do tình hình dịch bệnh.
Hiện vẫn còn nghi vấn liệu Thái Lan có thể khởi động một chương trình thí điểm không cách ly tại Phuket vào ngày 1/7 tới hay không.
Hòn đảo dự kiến mở cửa trở lại đối với du khách đã tiêm vaccine đến từ các nước trong nguy cơ thấp hoặc trung bình với điều kiện là du khách không rời khỏi đảo trong 14 ngày và đáp ứng một số yêu cầu.
Kế hoạch “Sandbox” (Hộp cát) của Phuket chủ yếu nhắm đến các du khách quốc tế ở châu Âu vì Bangkok biết rõ không thể thu hút du khách từ các quốc gia khác ở Đông Nam Á hoặc bất kỳ nơi nào ở châu Á - Thái Bình Dương một khi yêu cầu kiểm dịch của các nước đó chưa được nới lỏng hoặc dỡ bỏ.
Du lịch trong nước đóng vai trò quan trọng và trong thời gian đại dịch nó đã giúp các công ty lữ hành tồn tại. Tuy nhiên, từ góc độ doanh thu và kinh tế, ASEAN phụ thuộc nhiều hơn vào du lịch quốc tế. ASEAN cũng có thị trường nội địa nhỏ hơn và thị trường này phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác. Hiện lượng khách nội địa ở ASEAN chỉ đạt khoảng 50% mức trước đại dịch trong quý 4/2020 và tiếp tục giảm trong hai quý đầu của năm 2021 do làn sóng các ca bệnh mới.
Theo vị chuyên gia Brendan, 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên làm việc cùng nhau trên cơ sở đa phương thay vì song phương để tạo nền tảng cho việc nối lại các chuyến du lịch trong khu vực.
Trong trường hợp ASEAN không đưa ra các nền tảng cần thiết để hỗ trợ nối lại du lịch quốc tế - chẳng hạn như sự công nhận vaccine của nhau - thì có thể sẽ gây ra những tác động kinh tế lâu dài lên khu vực trong bối cảnh các phần còn lại của thế giới đã bắt đầu mở cửa trở lại dần dần.
Các công ty trong lĩnh vực hàng không và du lịch ASEAN sẽ phải chật vật tồn tại khi thị trường quốc tế đóng cửa kéo dài và cũng sẽ gặp bất lợi cạnh tranh so với các đối thủ ở các khu vực khác khi khách hàng bên ngoài ASEAN tìm đến các điểm đến thay thế.