Trong tuyên bố của mình, nhóm trên nhấn mạnh các đề xuất của Anh không giải quyết những vấn đề thực tế cần thiết nếu điều khoản "rào chắn" liên quan tới vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và nước CH Ireland bị loại bỏ, như vấn đề kinh tế của Ireland, việc tôn trọng đầy đủ "Thỏa thuận ngày thứ Sáu tốt lành" vốn mang lại sự bình yên cho đảo Ireland sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng, và sự toàn vẹn của một thị trường đơn nhất.
Nhóm này đã liệt kê "những quan ngại sâu sắc" về những đề xuất Brexit do Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra, trong đó có những đề xuất "không rõ ràng" về cách thức tránh tránh thiết lập các điểm kiểm soát biên giới hoặc cơ sở vật chất cứng tại biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland và CH Ireland. Họ cũng viện dẫn việc thiếu sự đảm bảo về khả năng những chi tiết trong đề xuất mới có thể được thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp tới cuối năm 2020.
Cùng ngày, Thủ tướng CH Ireland Leo Varadkar nhấn mạnh đề xuất của Anh nhằm hướng tới một thỏa thuận về Brexit là đáng hoan nghênh, song các kiến nghị về hải quan và trao cho Hội đồng Bắc Ireland quyền phủ quyết liên quan tới việc tuân thủ các quy định của EU lại là một vấn đề.
Trước đó, Anh đã gửi tới EU kế hoạch "ra đi" mới, trong đó có đề xuất thiết lập vùng quản lý chung cho toàn đảo Ireland, áp dụng với tất cả các loại hàng hóa, đồng thời kèm theo một cam kết tránh thiết lập các điểm kiểm soát biên giới hoặc cơ sở vật chất cứng tại biên giới hai bên trên đảo này. Đề xuất mới đồng nghĩa với việc Bắc Ireland sẽ tuân thủ các quy định hàng hóa của EU để đảm bảo hai miền trên đảo Ireland được áp dụng quy định chung, giúp loại bỏ việc kiểm tra hàng hóa thông thương qua biên giới.
Như vậy, một số ngành kinh tế của Bắc Ireland sẽ chịu sự quản lý của những điều luật mà chính quyền hay cơ quan lập pháp vùng này không có quyền tác động. Do đó, kế hoạch của Thủ tướng Anh Boris Johnson đề xuất cơ quan lập pháp và chính quyền Bắc Ireland nên có cơ hội được xem xét và thông qua những dàn xếp trên trước khi chính thức có hiệu lực, trong giai đoạn chuyển tiếp (kết thúc vào tháng 12/2020), cũng như xem xét gia hạn theo chu kỳ 4 năm/lần, nếu không mọi dàn xếp đều thất bại. Giới quan sát nhận định điểm mấu chốt này dù có thể nhận được sự ủng hộ tại Anh song dường như "quá sức" nhượng bộ của EU và CH Ireland.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cùng ngày khẳng định EU hoàn toàn sát cánh với Ireland trong các cuộc đàm phán về Brexit. Ông cũng cho biết cánh cửa đàm phán với Anh vẫn đang để ngỏ, song vẫn bày tỏ hoài nghi về những đề xuất mới nhất của London.
Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 3/10, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho hay EU sẵn sàng thảo luận về việc gia hạn Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon (đồng nghĩa với gia hạn Brexit) song phải có một lý do rõ ràng.
Cho tới nay, vấn đề làm sao để tránh việc thiết lập đường biên giới hiện hữu trên đảo Ireland được cho là gây trở ngại lớn nhất khiến Anh và EU không thể tìm ra thỏa thuận được chấp nhận tại Anh. Thỏa thuận đã ký kết hồi cuối năm 2018 bị cơ quan lập pháp Anh bác bỏ trong cả 3 lần bỏ phiếu mà nguyên nhân lớn là do giải pháp "chốt chặn" yêu cầu Anh tuân theo các quy định thuế quan của EU cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại. Các nghị sĩ ủng hộ Brexit cho rằng điều khoản này là "cái bẫy" khiến Anh phụ thuộc vào EU mà không thể tách ra độc lập như mong muốn. Dù Thủ tướng Johnson luôn yêu cầu loại bỏ điều khoản "chốt chặn", nhưng CH Ireland và các thành viên còn lại của EU vẫn không thay đổi quan điểm rằng đây là phương án tốt nhất và sẽ chỉ xem xét khi Anh đưa ra những phương án khác phù hợp, hiệu quả hơn.