Ngày 4/11, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cảnh báo nước này có thể bị "trục xuất" khỏi Khu vực đồng euro nếu Quốc hội không thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới vào ngày 7/11 tới.Phát biểu tại cuộc họp của đảng Dân chủ mới do ông Samaras đứng đầu, nhà lãnh đạo này nói: "Chúng ta (Quốc hội) phải cứu đất nước thoát khỏi thảm họa vì nếu Hy Lạp không tiếp tục ở lại Khu vực đồng euro thì mọi việc sẽ trở nên vô nghĩa".
Ông Samaras nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu ngày 7/11 tới đối với dự luật về cắt giảm chi tiêu lên tới 18 tỷ euro (23 tỷ USD) và một số cải cách khác, tiếp theo cuộc bỏ phiếu ngày 4/11 về dự thảo ngân sách năm 2013, có ý nghĩa sống còn nhằm loại bỏ dứt điểm nguy cơ Hy Lạp phải quay lại với đồng đrátma. Ông kêu gọi các đối tác khác trong liên minh cầm quyền, gồm đảng Dân chủ cánh tả và đảng Pasok theo đường lối xã hội, hành động "vì lợi ích tối thượng của đất nước".
Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối kế hoạch kinh tế khắc khổ mới tại thủ đô Athens ngày 31/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hy Lạp đang đàm phán với "bộ ba" chủ nợ - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - để được giải ngân phần cứu trợ 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai mà Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã nhất trí dành cho Athens. Đây là chiếc "phao cứu sinh" mà Hy Lạp cần nhận được vào giữa tháng 11 này, nếu không sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ và đứng trước nguy cơ buộc phải rút khỏi Khu vực đồng euro
Tuần trước, nguồn tin IMF cho biết các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và nhóm "bộ ba" đã rơi vào bế tắc do hai bên không đạt đồng thuận về điều kiện nhận cứu trợ. Hy Lạp muốn kéo dài thêm 2 năm thời hạn đáp ứng các mục tiêu tài chính. Trong nội bộ liên minh cầm quyền Hy Lạp cũng tồn tại một số bất đồng xung quanh điều kiện nhận cứu trợ. Đảng Dân chủ cánh tả (gồm 16 nghị sĩ) tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống đối với dự luật về cắt giảm chi tiêu và cải cách để phản đối những thay đổi về thị trường lao động, trong khi 5 nghị sĩ thuộc đảng Pasok có thể cũng không ủng hộ ông Samaras.
TTXVN/Tin tức