Hiện trường một vụ tấn công liều chết của Boko Haram tại thành phố Maiduguri ngày 31/7/2015. Ảnh: Getty Image/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trả lời tờ "Bild" (Hình ảnh), Bộ trưởng Leyen cảnh báo tình thế sẽ "cực kỳ nguy hiểm" nếu tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram liên kết với nhau. Theo bà, sự liên kết IS-Boko Haram sẽ khiến châu Phi trở nên bất ổn và tạo thêm những làn sóng người di cư mới.
Liên quan đến thông tin trên tờ "Spiegel" (Tấm gương) nói rằng quân đội Đức có thể sẽ cử 150-200 lính tới quốc gia láng giềng Libya là Tunisia để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, Bộ trưởng Leyen cũng để ngỏ khả năng Đức sẽ triển khai quân tới Libya giúp ổn định tình hình nước này. Theo quan chức này, Libya nằm đối diện châu Âu ở phía bờ bên kia Địa Trung Hải, do đó điều quan trọng nhất là phải ổn định tình hình Libya và xây dựng một chính phủ đủ năng lực ở nước này nhằm đối phó với nguy cơ nổi lên của chủ nghĩa khủng bố hiện nay.
Năm năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội. Hiện liên minh Hồi giáo Fajr Libya (Bình minh Libya) đang chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng, trong khi Quốc hội dân bầu và chính phủ được quốc tế công nhận của Libya phải chuyển về thành phố Tobruk làm việc. Giới quan sát lo ngại IS đang cố gắng lợi dụng tình hình bất ổn ở Libya nhằm mở rộng địa bàn và xây dựng vững chắc cơ sở tại đây.