Theo mạng tin châu Âu Euractiv. com ngày 24/7, trong khi Nghị viện châu Âu (EP) đang tiến gần đến việc phân bổ ghế mới cho tất cả các nước EU, nhưng Estonia đã phản đối và hối thúc EP xây dựng một “phương pháp phân bổ ghế công bằng, bền vững và minh bạch” vào năm 2027.
Estonia từ chối thỏa hiệp vì nước này muốn Tây Ban Nha, Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU làm rõ và giải thích thêm về lý do của việc phân bổ lại", một nhà ngoại giao EU nói.
Ban đầu, EP đề xuất trao thêm hai ghế cho Tây Ban Nha và Hà Lan và một ghế cho Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Slovakia, Ireland, Slovenia và Latvia để áp dụng đúng nguyên tắc tỷ lệ giảm dần theo yêu cầu của các hiệp ước EU.
Sau khi đề xuất chuyển đến các nước thành viên EU để tìm sự nhất trí, việc phân bổ mới có nguy cơ gặp bế tắc khi Pháp và Bỉ lần lượt muốn bổ sung 2 ghế chính và 1 ghế phụ - vốn không được dự tính trong đề xuất của EP, đồng thời Hà Lan và Đức phản đối việc tăng tổng số thành viên của EP.
Với những quan điểm khác nhau trên, trong khi đề xuất cần phải có sự nhất trí cao để được thông qua, có vẻ như Hội đồng EU sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu ban đầu là thống nhất một quan điểm chung trước kỳ nghỉ hè – để các quốc gia thành viên có đủ thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử EU dự kiến diễn ra vào ngày 6 - 9/6/2024.
Do tính cấp bách của đề xuất, Hội đồng châu Âu sẽ nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận theo thủ tục bằng văn bản thay vì các cuộc họp trực tiếp thông thường.
Việc xuất hiện các quan điểm khác nhau và sự cần thiết phải có sự nhất trí để đạt được thỏa thuận, kịch bản rất có thể là điều mà một nhà ngoại giao EU gọi là “chế độ mặc định”.
Nếu không đạt được thỏa thuận nào, số ghế trong EP sẽ giữ nguyên ở mức 705 mà không có sự phân bổ lại - do đó làm suy yếu nguyên tắc về tỷ lệ giảm dần được quy định trong các hiệp ước, vì việc phân bổ số ghế hiện tại không tuân theo nguyên tắc này.
Một kịch bản khác được đưa ra thảo luận, giữ nguyên 705 ghế nhưng phân bổ lại số ghế mà mỗi quốc gia nắm giữ để áp dụng đúng nguyên tắc tỷ lệ giảm dần, cũng có vẻ khó xảy ra vì nó sẽ tạo ra "kẻ thắng người thua", khiến khó đạt được sự nhất trí.
Lựa chọn khó xảy ra nhất là giảm hoặc thêm ghế. Một mặt, giảm số ghế có nghĩa là một số quốc gia sẽ bị giảm đại diện. Mặt khác, việc thêm ghế sẽ cho phép các quốc gia khác yêu cầu nhiều đại diện hơn, như Pháp và Bỉ đã yêu cầu - trong khi có sự phản đối từ các chính phủ châu Âu khác.