Bộ trưởng Y tế Pháp Brigitte Bourgignon ngày 14/6 cho biết vấn đề này đang được thảo luận tại hội nghị các bộ trưởng y tế EU tại Luxembourg.
Trong giai đoạn dịch bệnh cao trào nhất, Ủy ban châu Âu (EC) và chính phủ các nước EU đã nhất trí mua một lượng lớn vaccine ngừa COVID-19, phần lớn của hãng Pfizer và đối tác BioNTech. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh đang thuyên giảm ở châu Âu và tiến độ tiêm chủng chậm lại, nhiều nước châu Âu đang thúc giục đàm phán lại hợp đồng mua vaccine để giảm nguồn cung, từ đó giảm chi tiêu vào vaccine.
Ba Lan, nước đi đầu trong nỗ lực điều chỉnh hợp đồng mua vaccine, hiện trữ hơn 30 triệu liều vaccine và sẽ phải mua thêm 70 triệu liều theo các thỏa thuận đang có hiệu lực. Trong khi đó, trong số triệu dân ở Ba Lan, khoảng 60% đã tiêm các mũi cơ bản, so với tỉ lệ này ở EU là 70%.
Trong một bức thư chung gửi EC đầu tháng này, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cùng với các người đồng cấp Bulgaria, Croatia, Estonia, Hungary, Latvia, Litva và Romania đã kêu gọi giảm lượng vaccine đã đặt hàng. Theo các bộ trưởng, các hợp đồng đặt mua vaccine được nhất trí khi không thể dự báo về tiến triển của dịch bệnh và các hợp đồng này cần được thay đổi do tình hình dịch bệnh đang được cải thiện.
Trong thư, các bộ trưởng nêu rõ: "Chúng ta chứng kiến gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước, cùng với việc bàn giao một lượng vaccine không cần thiết. Có khả năng cao là các liều vaccine cung cấp cho EU cuối cùng có nguy cơ bị vứt bỏ".
Trong khi đó, hãng Pfizer và Moderna, hai hãng cung cấp vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu cho EU, đã nhất trí hoãn một số đợt bàn giao vaccine. Tuy nhiên, các bộ trưởng cho rằng đây chưa phải là một giải pháp đủ và chỉ làm trì hoãn vấn đề.