Diễn biến này được cho có thể gây ra cạnh tranh về kiểm soát thị trường năng lượng toàn cầu. Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết Tổng thống Joe Biden dự kiến ngày 23/11 thông báo kế hoạch mở Kho Dự trữ Dầu Chiến lược cùng thời điểm với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Động thái này nhằm mục đích hạ nhiệt giá dầu đã tăng mạnh trong năm nay. Mỹ hiện là nhà tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Các đại biểu của OPEC+ cho biết việc tung hàng triệu thùng dầu ra thị trường là không công bằng trong tình hình hiện nay. OPEC và các nước liên minh dự kiến gặp gỡ vào ngày 2/12 để dự liệu về việc tăng sản xuất dầu lên 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022.
Trước đó, 23 quốc gia thành viên OPEC+ đã phớt lờ đề nghị của Tổng thống Biden và nhiều nhà lãnh đạo khác vào đầu tháng này về việc tăng cường nguồn cung vốn bị gián đoạn trong thời gian đại dịch.
Đối với Tổng thống Biden, việc phối hợp cùng một số quốc gia tung kho dự trữ dầu có thể là chiến thắng ngoại giao cho Mỹ, đặc biệt khi có sự góp mặt của Trung Quốc. Vấn đề này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận với Tổng thống Biden trong hội nghị trực tuyến vào tháng 11.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 20/11 cho biết chính phủ của ông đang cân nhắc mở kho dự trữ dầu, phối hợp với các quốc gia như Mỹ. Các quan chức Ấn Độ vào ngày 22/11 cũng tiết lộ có khả năng nước này sẽ tham gia.
Diễn biến này cũng đồng nghĩa với lần mở kho dự trữ dầu thô lớn nhất từ các nền kinh tế ngoài sự bảo hộ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Trước đây, việc mở kho dự trữ dầu lớn có sự phối hợp của IEA với Trung Quốc không phải thành viên, ví dụ như trường hợp năm 2011 có tổng cộng 60 triệu thùng dầu được đưa ra khi nguồn cung bị gián đoạn bởi tình hình ở Libya.
Theo Bloomberg, trong môi trường lạm phát với giá tất cả các mặt hàng đều tăng, những nền kinh tế lớn sẽ có sức chịu đựng kém với giá dầu tăng.