Mặc dù nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ, nhưng nhiều công ty Mỹ, đặc biệt là các hãng hàng không, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, các công ty dầu mỏ và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề khác vẫn gặp nhiều khó khăn trong thời gian từ nay cho đến khi kinh tế nước này hoàn toàn hồi phục. Điều này làm gia tăng quan ngại về một làn sóng phá sản lớn ở Mỹ.
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson ngày 13/5, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã cảnh báo khả năng xuất hiện một làn sóng phá sản có thể khiến kinh tế Mỹ thiệt hại lâu dài.
Giới chuyên gia cho rằng ngay cả gói chi tiêu gần 3.000 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các ngành công nghiệp lớn và người lao động, cũng chỉ có khả năng “trì hoãn” làn sóng này.
Ông David Kotok, người đồng sáng lập công ty tư vấn đầu tư Cumberland Advisors, dự báo kinh tế Mỹ phải mất 5 năm mới có thể phục hồi hoàn toàn.
Cùng chung ý kiến với ông Kotok là Tổng Giám đốc điều hành công ty sản xuất máy bay Boeing David Calhoun, cho rằng nhiều khả năng công ty này sẽ phá sản bởi vì việc di chuyển bằng máy bay sẽ phải mất 5 năm mới trở lại các xu hướng trước đại dịch COVID-19.
Công ty bán lẻ Neiman Marcus and J. Crew đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trong khi các công ty cùng ngành khác phải vật lộn với nhiều khó khăn để cố gắng tồn tại. Các hãng hàng không Mỹ đã ám chỉ đến việc sa thải nhân viên để giảm chi phí, khi hàng nghìn máy bay không thể cất cánh.
Công ty khoan dầu Nabors Industries đang có kế hoạch hoãn trả lãi cổ tức sau khi đã phải cắt giảm chi phí và giảm ngân sách vốn.
Các công ty gặp khó khăn về tài chính đang buộc phải chấp nhận lãi suất tiền vay cao hơn, lên đến hơn 12%, khi phát hành cổ phiếu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chi phí đi vay cao hơn không phải là quan ngại duy nhất và các công ty sẽ rất khó làm ăn có lãi ngay cả khi Chính phủ dỡ bỏ mọi quy định phong tỏa. Nếu vẫn chưa có vaccine phòng COVID-19, nhiều doanh nghiệp vẫn phải tôn trọng các biện pháp giãn cách xã hội mà khách hàng yêu cầu. Các cửa hàng vẫn cần hạn chế số lượng khách vào mua hàng, các rạp chiếu phim phải để ra các ghế trống, các khách sạn và tàu du lịch phải giãn cách khách thuê. Ngoài ra, các công ty sẽ vẫn cần đảm bảo việc vệ sinh sát khuẩn và cung cấp cho nhân viên các thiết bị bảo hộ cá nhân, làm tăng chi phí.
Trước tình hình đó, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng việc tiếp tục hỗ trợ tài chính là cần thiết, dù tốn kém. FED đang xúc tiến các biện pháp hỗ trợ kinh tế như cấp các khoản vay cho các công ty, bơm tiền vào hệ thống tài chính và nới lỏng quy định cho vay đối với các ngân hàng. Ông Powell nêu rõ FED sẽ tiếp tục sử dụng tối đa các công cụ cho đến khi khủng hoảng qua đi và phục hồi kinh tế diễn biến tốt.
Các nỗ lực hỗ trợ thị trường tín dụng của FED là lý do chủ yếu giúp cho nhiều công ty chưa bị phá sản và ngay chính ông Powell đã thừa nhận rằng chỉ riêng tuyên bố của FED đã giúp nới lỏng những khó khăn tài chính từ trước khi một số chương trình được chính thức áp dụng.
Theo Chủ tịch FED, sự phục hồi kinh tế Mỹ hậu đại dịch COVID-19 có thể diễn ra chậm hơn so với mong muốn, song tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm dần và nền kinh tế sẽ hồi sinh đáng kể một khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cùng ngày 13/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng chi thêm tiền trong tương lai để hỗ trợ nền kinh tế.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng ngừng hoạt động trên diện rộng nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 8/5, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng tới 14,7% trong tháng 4 vừa qua và có thể lên tới 20% trong tháng 5 này.