Cụ thể, các chính sách về khí hậu mà các quốc gia giàu có như Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng từ 2,1 độ C đến 3,4 độ C ngay cả khi các nước này mở rộng tham vọng về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong 18 tháng qua. Cộng với các chính sách về khí hậu của các nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, hậu quả còn tồi tệ hơn - ám chỉ mức tăng nhiệt 5 độ C thảm khốc vào cuối thế kỷ này.
Trong khi đó, phần lớn các quốc gia nghèo nhất thế giới đang trong lộ trình duy trì mức tăng nhiệt Trái Đất trong phạm vi giới hạn 1,5 độ C.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các quốc gia nghèo hơn sẽ cần được các nước giàu hỗ trợ tài chính để duy trì sự phát triển phát thải thấp sau năm 2030.
Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Paris Equity Check- Yann Robiou de Pont nêu rõ: “Thách thức đối với khu vực phía Nam bán cầu (gọi chung cho các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á) là duy trì phát thải thấp sau năm 2030.
Các quốc gia đã đồng ý với mục tiêu hạn chế sự nóng lên của Trái Đất trung bình ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng nhiệt này được các nhà khoa học cho rằng an toàn hơn để tránh được những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ của Trái Đất đến nay tăng lên 1,2 độ C đã gây ra một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, từ các đợt nắng nóng và hạn hán đến lũ lụt và các cơn bão nhiệt đới có sức tàn phá lớn hơn do nước biển dâng.
Theo ông Henry Kokofu, đặc phái viên của Ghana - nước giữ chức Chủ tịch Diễn đàn nhóm dễ bị tổn thương vì khí hậu, những nước gây ô nhiễm lớn "phải thực hiện và chia sẻ công bằng để giảm mức độ ô nhiễm ngay trong thập kỷ này".