Hơn một tuần sau khi căn hộ nhỏ bị phá hủy trong trận động đất huỷ diệt ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cơ thể Mohammad Emin vẫn dính đầy bụi và đất.
Giống như vô số nạn nhân khác của thảm họa khiến trên 41.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiệt mạng, Emin vẫn đang chờ tắm rửa khi không có nước sạch. Theo các cơ quan y tế quốc tế, tình trạng thiếu nước sạch sẽ gây ra rủi ro lớn đối với sức khỏe cộng đồng ở khu vực thảm họa.
“Chúng tôi đã không thể tắm rửa kể từ khi trận động đất xảy ra”, Emin, sinh viên thiết kế đồ họa 21 tuổi, nói khi mang thuốc cảm cúm từ phòng khám dành cho những người di cư ở thành phố Kahramanmaras. Phòng khám này được dựng tạm trong lều ở sân vận động ngoài trời.
Do phần lớn cơ sở hạ tầng vệ sinh của khu vực bị hư hại hoặc không thể hoạt động sau hai trận động đất có độ lớn 7,8 và 7,6 hôm 6/2, các cơ quan y tế Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn. Đó là đảm bảo cho những người sống sót, người vô gia cư, không bị nhiễm bệnh.
Ông Akin Hacioglu, bác sĩ tại phòng khám, cho biết có khoảng 15 đến 30 bác sĩ điều hành cơ sở này. Đây là phòng khám duy nhất trong khu vực và phải phục vụ tới 10.000 bệnh nhân mỗi ngày.
Ông Hacioglu nói rằng nhân viên y tế đang tiêm phòng uốn ván cho những cư dân yêu cầu, đồng thời phân phát bộ dụng cụ vệ sinh - gồm dầu gội đầu, chất khử mùi, băng gạc và khăn mặt - cho người dân.
Nhưng Emin chia sẻ không có vòi nước trong những túp lều này và 6 nhà vệ sinh tại sân vận động không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Arif Kirici, 42 tuổi, đã phải ở sân vận động này sau khi anh và mẹ thoát khỏi ngôi nhà bị sập vào ngày xảy ra trận động đất. Kirici cũng nói rằng anh đã không thể tắm và cũng như một số người khác, anh chỉ thay quần áo.
Tại thành phố Antakya, xa hơn về phía Nam biên giới Syria, số lượng nhà vệ sinh di động nhiều hơn so với những ngày đầu tiên sau trận động đất. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết họ cần nhiều hơn nữa.
Antakya, từng là thủ phủ của tỉnh Hatay, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất tồi tệ nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ trong gần một thế kỷ qua, hàng nghìn người đang cố gắng chấp nhận sự thật rằng thiên tai đã đảo lộn cuộc sống của họ và khiến nhiều người mất hết nhà cửa, của cải, thậm chí là mất cả tương lai.
Hầu hết người dân ở khu vực này phải sinh hoạt và ngủ ngoài trời. Những người khác lo sợ rằng một cơn dư chấn nhỏ nhất cũng có thể khiến những ngôi nhà và căn hộ còn lại cũng bị sập. Họ quá sợ hãi không dám vào trong để sử dụng nhà vệ sinh vẫn còn hoạt động.
Nhiều người đang vật lộn để vượt qua một đêm dài đằng đẵng. Ô tô quá nhỏ, không đủ để chứa hết các gia đình, nhưng chúng là sự lựa chọn tốt hơn những chiếc lều làm bằng một lớp vải mỏng, hay một tấm bạt căng ở nhà chờ xe buýt hoặc được giữ bằng cột. Người dân Antakya đốt củi và rác để giữ ấm, nhưng cũng không đủ để xua đi cái lạnh cóng.
“Không điện, không nước, không nhà vệ sinh”, một người làm nghề bảo mẫu tên là Saba Yigit, 52 tuổi, cho biết.
Ông Batyr Berdyklychev, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo tình trạng thiếu nước có thể “làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước và bùng phát các bệnh truyền nhiễm”.
Ông nói rằng WHO đang làm việc với chính quyền địa phương để tăng cường giám sát các bệnh lây truyền qua đường nước, cúm mùa và COVID-19 cho những người sống sót.
Trận động đất có độ lớn 7,8 hồi tuần trước đã tàn phá nhiều thành phố ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khiến nhiều người sống sót trở thành người vô gia cư giữa thời tiết giá rét. Trước bối cảnh này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thừa nhận các vấn đề trong phản ứng ban đầu sau trận động đất, nhưng cho biết tình hình hiện đã được kiểm soát.
“Chúng ta đang đối mặt với một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất không chỉ ở đất nước chúng ta mà còn trong lịch sử nhân loại”, ông Erdogan nói trong một bài phát biểu trên truyền hình ở Ankara.