Theo nghiên cứu của các nhà khoa học chuyên ngành y tế tại Đại học Georgetown (Mỹ), nước này có thể đã giảm thiểu được 316.000 ca tử vong liên quan COVID-19 nếu các khu vực áp dụng các biện pháp ứng phó với đại dịch đồng đều hơn.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu số ca tử vong vượt mức - do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tính toán hằng tuần, trong khoảng thời gian từ ngày 3/1/2020 đến ngày 26/9/2021 và so sánh giữa các khu vực Đông Bắc, miền Trung phía Tây, miền Nam và miền Tây. Số ca tử vong vượt mức là số ca tử vong có thể tránh được, xác định bằng sự chênh lệch giữa tổng số ca tử vong hiện tại và số ca tử vong được ước tính dựa trên dữ liệu ghi nhận khoảng thời gian trước đó, thường là thập kỷ trước hoặc lâu hơn.
Giáo sư Michael Stoto - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết mục đích của nghiên cứu là tìm hiểu sự chênh lệch trong tỷ lệ tử vong liên quan COVID-19 giữa các vùngdựa trên cơ sở dữ liệu có độ chính xác cao. Theo ông Stoto, đây là nghiên cứu đầu tiên xác định cụ thể số ca tử vong vì COVID-19 đáng lẽ đã có thể tránh được.
Theo các nhà khoa học tại Đại học Georgetown, sự chênh lệch trong tỷ lệ tử vong liên quan COVID-19 giữa các khu vực đã tồn tại xuyên suốt thời gian đại dịch, trong đó khu vực miền Nam nước Mỹ có tỷ lệ tử vong cao hơn các khu vực còn lại kể từ lúc bước vào mùa Hè năm 2020. Kể từ tháng 10/2020, số ca tử vong vì COVID-19 tại khu vực miền Nam chiếm đến 48% tổng số ca tử vong tại Mỹ.
Các nhà khoa học cho biết trong thời gian từ tháng 1/2020 - 9/2021, nước Mỹ đã ghi nhận 895.693 ca tử vong vượt mức liên quan đến COVID-19, cao hơn 26% so với thống kê trong báo cáo do các chuyên gia khác tiến hành. Mặc dù các dữ liệu chính thức cho thấy tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã tiến gần đến mốc 1 triệu vào cuối tháng 4/2022, song dựa trên ước tính mới về số tử vong vượt mức này, nhóm nhà khoa học tin rằng trên thực tế, nước Mỹ đã vượt ngưỡng đó từ đầu năm 2022.
Một số nghiên cứu trước đó đã tìm hiểu mối liên hệ giữa tỷ lệ tử vong do COVID-19 với các yếu tố tuổi tác, trình độ học vấn và các yếu tố khác cũng như mức độ hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này áp dụng dữ liệu số ca tử vong thay vì số tử vong vượt mức. Việc sử dụng số ca tử vong vượt mức làm dữ liệu cơ sở được coi là chuẩn xác hơn về mặt thống kê.
Các tác giả tiến hành nghiên cứu này trong số nhiều nghiên cứu đã được lên kế hoạch thực hiện với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về cách thức ứng phó với COVID-19 tại Mỹ và các quốc gia khác và để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tăng cường chuẩn bị cho các đợt bùng phát dịch trong tương lai.