Các nhà khoa học thuộc World Weather Attribution (WWA) - tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - đã đưa ra nhận định trên ngày 23/11 sau khi tiến hành nghiên cứu đợt nắng nóng ở quốc đảo Ấn Độ Dương. Các chuyên gia đã xem xét 3 yếu tố gồm nhiệt độ trung bình trong tháng 10 ở Madagascar, nhiệt độ thấp nhất và cao nhất trong 7 ngày ở thủ đô Antananarivo. Theo kết quả phân tích, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến nắng nóng kéo dài cả tháng, nhiệt độ cao nhất và thấp nhất trong 7 ngày đều tăng 1-2 độ C. Dù mức tăng nhiệt độ này dường như không nhiều, nhưng cố vấn kỹ thuật Sayanti Sengupta tại Trung tâm khí hậu Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ cho rằng khi nhiệt độ tăng dù chỉ 0,5 độ C cũng có thể khiến thêm hàng nghìn người bị đẩy đến giới hạn thể chất của họ, thậm chí bị sốc nhiệt và tử vong. Mặc dù tháng 10 hằng năm là thời điểm bắt đầu mùa nóng ẩm ở Madagascar, nhưng nhiệt độ trong tháng 10 vừa qua tại quốc đảo này cao như tháng 12 và tháng 1 hằng năm, những tháng cao điểm của mùa nóng.
Theo cơ sở dữ liệu về thảm họa quốc tế EM-DAT, hơn 13.000 người ở châu Phi đã thiệt mạng do những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt kể từ đầu năm đến nay, cao hơn bất kỳ lục địa nào khác trên thế giới. Trong khi đó, WWA cho rằng tình trạng nắng nóng cực đoan ở châu Phi không được báo cáo đầy đủ và nghiên cứu kỹ lưỡng, gây khó khăn cho việc xác định những tác động về các mức nhiệt gây nguy hiểm ở Madagascar, cũng như ảnh hưởng đến việc nhận được hỗ trợ liên quan đến khí hậu.
Hơn 90% người Madagascar sống trong cảnh nghèo đói, trong đó nhiều người không được tiếp cận nước sạch và điện, khiến họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng khắc nghiệt. Nhiều người sống trong những khu lán trại tạm bợ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận các chiến lược ứng phó với nắng nóng. Nhà nghiên cứu cấp cao Rondrotiana Barimalala thuộc Trung tâm Nghiên cứu Na Uy và Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Bjerknes cho rằng trong bối cảnh các đợt nắng nóng gia tăng ở Madagascar, điều quan trọng là các cộng đồng và chính phủ phải thực hiện các biện pháp tăng khả năng chống chịu. Theo WWA, đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm là vấn đề rất cấp bách.