Chi phí vận chuyển lương thực giữa các quốc gia dự tính sẽ lên tới 2.000 tỷ USD trong năm 2022, tăng khoảng 33% so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19, từ đó đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức cao và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tài chính nông thôn và nông nghiệp toàn cầu diễn ra từ ngày 23 - 25/11 tại bang Michoacán, Mexico, ông Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn tại các nước đang phát triển trong bối cảnh nguồn tài chính để nhập khẩu lương thực đang ngày một khó khăn do lãi suất cho vay tăng, sự mất giá của đồng nội tệ cũng như các chính sách kiềm chế lạm phát.
Ông Torero nhấn mạnh tình trạng tăng lãi suất cho vay không chỉ khiến việc nhập khẩu lương thực trở nên khó khăn và đắt đỏ, mà còn ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo ông Torero, Mexico là trường hợp điển hình khi sản lượng ngô của nước này đã giảm đáng kể trong thời gian qua do khan hiếm nguồn cung phân bón.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột tại Ukraine cũng là nguyên nhân quan trọng khiến giá lương thực tăng phi mã do lượng dự trữ lương thực toàn cầu giảm tới 8%, đặc biệt là ngũ cốc và lúa mỳ, sản phẩm mà hai quốc gia này chiếm tới 30% sản lượng trên thế giới.
Theo nhà kinh tế trưởng của FAO, châu Phi chính là khu vực bị tổn thương nặng nề nhất trong cơn bão giá lương thực khi 1/3 dân số của "Lục Địa đen" sống trong tình trạng thiếu thốn lương thực trầm trọng và cứ 5 người châu Phi thì một người chịu cảnh đói khát trong vòng 2 năm qua.
Trước đó, năm 2021, gần 700 triệu người, tương đương 9% dân số thế giới - gần 2/3 trong số đó ở cận Sahara châu Phi, sống dưới mức 1,90 USD/ngày, mức đặc biệt đói nghèo theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB). Do đó, bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào của giá lương thực cũng có thể khiến hàng triệu người rơi trở lại diện này.
Theo một báo cáo gần đây của Standard & Poor’s, cuộc khủng hoảng lương thực được dự báo sẽ kéo dài đến năm 2024 và có thể lâu hơn nữa. Báo cáo này cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế và xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Cùng lúc đó, Ủy ban Cứu hộ Quốc tế cảnh báo thế giới về một "nạn đói" có thể xảy ra, trong đó thêm 47 triệu người, chủ yếu ở vùng Sừng châu Phi, Sahel, Afghanistan và Yemen, sẽ bị đẩy vào tình trạng đói nghiêm trọng.